Mỹ bí mật cử “người hòa giải” tới Triều Tiên?
Tờ Washington Post hôm 13/6 đã bình luận, chuyến đi của Rodman làm dấy lên tin đồn ông sẽ có những nỗ lực nhằm phóng thích 4 công dân Mỹ bị Triều Tiên giam giữ, cũng là bước đầu tiên và quan trọng hướng tới giảm căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Cựu ngôi sao bóng rổ Rodman là thần tượng của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và đã tới Triều Tiên 4 lần. |
Những người tham gia vào các cuộc đàm phán không chính thức với Triều Tiên tiết lộ, chính quyền của Donald Trump đã có những hành động muốn đến gần hơn với Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, bao gồm cả việc thiết lập một kênh liên lạc bí mật bằng cách sử dụng “một người liên lạc của Trump” thay vì các kênh kết nối truyền thống. Tuy nhiên, không rõ chuyến đi của Rodman có phải là một phần của nỗ lực đó hay không.
“Nhưng chúng ta biết một điều là Trump rất quảng giao”, một người làm việc ở Triều Tiên giấu tên cho biết, “Ông ấy không phải là nhân viên bộ ngoại giao. Trọng tâm của ông ấy là hoàn thành mọi việc”.
Theo cộng sự của Rodman, cựu danh thủ đội Chicago Bull đã thảo luận về chuyến đi tới Triều Tiên của mình với Donald Trump trước khi ông chính thức ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về chuyến đi của Rodman, nhưng chính quyền Donald Trump nói với các phương tiện truyền thông rằng cựu vận động viên bóng rổ đi du lịch với tư cách cá nhân.
Trong một diễn biến khác, hãng Reuters đưa tin về một kết luận gần đây nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tái khẳng định sự nguy hiểm của chương trình hạt nhân do Triều Tiên phát triển.
Trong một tuyên bố gửi tới Ủy ban Quân vụ hạ viện Hoa Kỳ, ông Jim Mattis tiếp tục cho rằng Triều Tiên là “mối đe dọa cấp bách nhất” đối với an ninh quốc gia và nguồn cung cấp cho họ đang tăng một cách chóng mặt.
“Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là một mối nguy hiểm rõ ràng và thực tế đối với tất cả mọi người. Mọi hành động khiêu khích của họ không tuân thủ luật pháp quốc tế, không được giảm bớt bất chấp sự phê bình và trừng phạt của Liên Hợp Quốc”, ông Mattis nói.
"Các mối đe dọa khẩn cấp và nguy hiểm nhất đối với hòa bình và an ninh chính là Triều Tiên," tuyên bố cho biết thêm, “Triều Tiên vẫn tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và các nguồn cung cho họ cũng gia tăng về cả tốc độ lẫn quy mô”.
Hồi đầu tháng này, Hội đồng Bảo an LHQ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Triều Tiên sau nhiều lần thử tên lửa, đồng thời thông qua nghị quyết đầu tiên của Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu trước hội đồng, cảnh báo về những tổn thất tiềm tàng khi xung đột với Triều Tiên. “Đó sẽ là cuộc chiến không giống với năm 1953 và chúng ta sẽ phải đối phó với nó ở mọi cấp độ vũ lực khi cần. Đó sẽ là một cuộc chiến rất nghiêm trọng”.
Về phía Hàn Quốc, động thái cho ngừng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) được cho là nhằm đảm bảo chế độ dân chủ ở quốc gia này.