Mỹ bắt tay Đan Mạch “quyết phá” dự án Dòng chảy phương Bắc-2
Mỹ bắt tay Đan Mạch “quyết phá” dự án Dòng chảy phương Bắc-2 |
Theo Washington Examiner, tiếng nói của Đan Mạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” vì một phần của đường ống này chạy qua lãnh thổ Đan Mạch.
Hiện tất cả các nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập dự án này của Nga đều bị Đức phản đối. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Mỹ vẫn đang hy vọng sẽ vận động được các chính trị gia Đức đứng về phía mình.
“Ê kíp vận động của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có thể đã tìm được biện pháp ngoại giao nào đó để cô lập dự án lớn của Nga sang Tây Âu”- Washington Examiner dựa trên một nguồn tin cấp cao của mình tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Hiện các nhà ngoại giao Mỹ vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán với Đan Mạch nhằm không để dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” được triển khai.
Theo Washington Examiner, “đường ống của Nga đã tạo ra làn sóng quan ngại trên toàn châu Âu và cả ở Mỹ vì các chính quyền này quan ngại rằng châu Âu sẽ ngày càng phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga”.
Tuy nhiên, Đức đã khẳng định sẽ ủng hộ dự án này và điều này khiến nhiệm vụ của phương Tây trong việc cô lập dự án của Nga trở nên phức tạp hơn nhiều. Do đó, Mỹ đang muốn đưa Đan Mạch vào cuộc chơi này.
“Vì dự án Dòng chảy phương Bắc-2 sẽ chạy qua vùng lãnh thổ của Đan Mạch nên đó có thể trở thành yếu tố quan trọng về chính trị và pháp lý để cản trợ việc lắp đặt các đường ống này”- một nhân viên ngoại giao Mỹ nói với Washington Examiner.
Theo nhân vật này, hiện các ý kiến cho rằng đường ống này không thể được phép xây dựng đang chiếm đa số tại châu Âu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) |
Theo Washington Examiner, dự án đường ống dẫn của Nga gây ra nhiều lo ngại cho châu Âu bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, đường ống này cho phép Nga cung cấp khí đốt sang châu Âu mà không cần phải đi qua lãnh thổ Ukraine, và điều này đồng nghĩa với việc Nga sẽ không phải trả chi phí cho việc trung chuyển qua Ukraine.
Mỹ và châu Âu quan ngại rằng tổn thất này sẽ giáng đòn mạnh vào nền kinh tế đang suy yếu của Ukraine. “Nó cũng sẽ củng cố giúp Nga khả năng sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu vì các lý do chính trị khác nhau”- Washington Examiner viết.
Theo tờ báo này, Mỹ đã hy vọng sẽ cản trở bất cứ dự án nào có các nội dung nằm trong lệnh cấm vận chống Nga của Mỹ. Tuy nhiên, Đức đã chỉ trích các biện pháp này của Mỹ, coi đây là các nỗ lực nhằm buộc các nước châu Âu phải mua khí đốt tự nhiên của Mỹ với giá cao hơn.
Theo nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện Mỹ vẫn có cơ hội để buộc Đức phải thay đổi quan điểm của mình. Trong bối cảnh các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh đa số ở Đức đang gặp bế tắc, Mỹ hy vọng sẽ “nhắc nhở” tất cả các bên tham gia tiến trình chính trị này ở Đức nhớ về “các trách nhiệm mà Đức cần phải gánh vác trong việc đảm bảo an ninh năng lượng châu Âu”.