Mỹ “bất ngờ” có động thái mới với START-3
Bộ Ngoại giao Mỹ tại Washington. Ảnh: AP. |
Được biết, Hiệp ước START mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Hiệp ước START mới quy định Mỹ và Nga phải cắt giảm 50% số đầu đạn hạt nhân chiến lược, hạn chế mỗi bên chỉ được triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược và 700 tên lửa gồm tên lửa liên lục địa, tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm và từ máy bay ném bom hạng nặng.
Theo đó, một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng: “Chính phủ đang nghiên cứu khả năng gia hạn START-3 có tính đến những mối đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt hiện nay. Nó cần được cân nhắc kỹ, mang tính khả thi và bao gồm tất cả các đối tác có khả năng ảnh hưởng đến an ninh chiến lược trên thế giới”.
Cũng theo quan chức này, Mỹ sẵn sàng đàm phán với Nga và Trung Quốc.
Mới đây, hôm 9/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, việc gia hạn hiệp ước không nên chỉ có Nga, mà cần đưa cả Trung Quốc tham gia và cần bao gồm tất cả những mối đe dọa tiềm tàng từ các loại vũ khí mới thế hệ tiếp theo.
“Tổng thống đã yêu cầu chúng tôi nghiên cứu xem xét START-3 mở rộng hơn và đưa cả Trung Quốc, Nga vào những bước đi tiếp theo”, nguồn tin tiết lộ.
Về phía mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới không kèm theo điều kiện: “Nga đã đưa ra đề xuất. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước START mới. Tuy nhiên, Nga chưa nhận được bất cứ câu trả lời đối với đề xuất của mình. Nếu không có START mới sẽ không còn bất cứ thỏa thuận chính nào trên thế giới để kiểm soát vũ khí hạt nhân”.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có ý định đưa tàu ngầm - ngư lôi tự hành Poseidon vào danh sách những loại vũ khí của Nga mà Mỹ muốn đưa vào khi gia hạn START-3. Theo phía Mỹ, nhiệm vụ của chúng tôi là phải đảm bảo rằng hiệp ước không chỉ bao gồm các thiết bị quân sự hiện tại, mà còn một loạt các hệ thống vũ khí mới của Nga đang được phát triển và sẽ không nằm trong danh sách điều chỉnh của START-3.
“Một số trong đó là những loại vũ khí có vẻ dị thường, chẳng hạn như tàu ngầm không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân Poseidon được trang bị vũ khí hạt nhân, tên lửa hành trình tự chuyển động bằng năng lượng hạt nhân được trang bị vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo phóng từ trên không”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tàu ngầm hạt nhân Belgorod, sẽ là tàu thử nghiệm đầu tiên của hệ thống không người lái Poseidon, đã được hạ thủy tại Sevmash. Tàu ngầm hạt nhân đa năng Belgorod (là tàu thử nghiệm hệ thống Poseidon), phương tiện chiến đấu thuộc Dự án 949A “Antey” (tương tự như tàu ngầm “Kursk”), được thiết kế lại dành riêng cho Poseidon.
“Trong vòng hai năm nữa, tàu ngầm Belgorod và vũ khí Poseidon không người lái sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm chung. Vào thời điểm 2020-2021, toàn bộ hệ thống được Hải quân Nga lên kế hoạch đưa vào trang bị”, báo cáo cho hay.
Lần đầu tiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đến loại vũ khí này là vào năm 2018, khi đó ông đề cập về việc phát triển phương tiện không người lái mới hoạt động dưới nước có khả năng di chuyển ở độ sâu rất lớn và tốc độ cao.