Mỹ ‘bán’ Ukraine cho Nga để lấy thỏa thuận hạt nhân Iran?
Ông Leonid Bershidsky lập luận, thật hiếm khi đại diện chính quyền Mỹ tới quốc hội nước ngoài để thuyết phục các nghị sĩ bỏ phiếu cho một dự luật nào đó. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victorria Nuland đã tới Kiev khi quốc hội Ukraine đang chuẩn bị bỏ phiếu cho những sửa đổi về hiến pháp.
Điều đáng nói hơn, bà Nuland dường như chỉ quan tâm tới một điểm trong bản dự thảo mà Tổng thống Petro Poroshenko trình quốc hội, nằm ở trang 7, có nội dung: “Một số quy chế của chính quyền địa phương ở một số khu vực thuộc Donetsk và Luhansk sẽ được quy định bằng một đạo luật đặc biệt”.
Các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, Pháp, Đức, Belarus trong cuộc gặp dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn Minsk ở miền Đông Ukraine hồi tháng 2/2015. |
Đây cũng là điểm đang gây nhiều tranh cãi trong quốc hội Ukraine. Nhiều nghị sĩ từ chối bỏ phiếu cho dự luật này. Nghị sĩ Mustafa Nayyem, một cựu phóng viên có tiếng, cảnh báo, “Luật đặc biệt” có thể sẽ giúp quân ly khai ở miền Đông Ukraine tách khu vực này khỏi Ukraine một cách hợp pháp.
Theo ông Bershidsky, công việc của bà Nuland khi tới Mỹ lần này là nhằm thuyết phục Nayyem và những nghị sĩ có cùng tư tưởng như vậy ủng hộ dự luật. Trước khi bỏ phiếu, bà đã mời những người có lập trường phản đối cứng rắn nhất tới Đại sứ quan Mỹ tại Kiev.
Ông Leonid Yemets, một trong những người có mặt trong cuộc gặp cho biết, bà Nuland kêu gọi các nghị sĩ Ukraine ủng hộ dự luật vì đó là điều cần thiết để chứng minh Ukraine đang tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết hồi tháng Hai vừa qua.
Một nghị sĩ khác cho hay, trước đó bà Nuland còn nói rằng, Kiev nên làm như vậy để dành thời gian chống tham nhũng trong phần còn lại của Ukraine.
Quân đội Ukraine ở miền Đông. |
Nhiều người tham gia cuộc họp đặt nghi vấn về động cơ của bà. Phó Chủ tịch Quốc hội Ukraine Oksana Syroyid viết trên Facebook: “Tại sao thế giới muốn chúng tôi áp đặt “tình trạng đặc biệt” đối với Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk? Thế giới đang muốn biến cuộc xung đột hiện tại thành một cuộc xung đột nội bộ vì đã cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ vấn đề cực kì khó chịu này”.
Bất chấp những ý kiến đối lập trên, hôm 16/7, quốc hội Ukraine vẫn bỏ phiếu thông qua dự luật đầy tranh cãi. Ông Poroshenko đã tỏ ra tức giận với những người phản đối. Bà Nuland tỏ ra vui mừng khi kết quả bỏ phiếu theo đúng ý bà.
Một số nhà bình luận Ukraine cho rằng chuyến thăm của bà Nuland tới Kiev và những nỗ lực của bà tại quốc hội Ukraine vừa qua là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đã quá mệt mỏi với một Ukraine đầy tham nhũng và đòi hỏi quá nhiều.
Những tin tức về Ukraine hiện không còn xuất hiện trên trang nhất của các phương tiện truyền thông thế giới nữa. Điều này không tốt cho Ukraine, một đất nước đang rất cần sự hỗ trợ và quan tâm từ phương Tây.
Cựu nghị sĩ Taras Stetskiv nhận định: “Chính xác thì Nga đã có được gì (từ Mỹ) khi kí tên vào thỏa thuận hạt nhân Iran? Ít nhất, Nga đã có một tình trạng đặc biệt cho Donbass trong hiến pháp Ukraine và đó là lý do bà Nuland đã đến Kiev”.
Ông Andrei Illarionov, một cựu cố vấn của Tổng thống Nga Putin, cũng cho rằng, sự ủng hộ của Nga về các vấn đề Syria và Iran là một phần trong các thỏa thuận mà Ukraine không có liên quan nhưng lại phải trả giá.
Theo ông Leonid Bershidsky, dường như Nga và Mỹ đang bắt đầu có những “suy nghĩ” chung về Ukraine. Tuần trước, ông Obama đã ca ngợi ông Putin vì đã có đóng góp rất tích cực trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Bershidsky cho rằng, Washington đã phải trả cho Moscow một cái giá nào đó cho sự hợp tác đó, và thật không khó đoán khi đó chính là Ukraine.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ National Post của Canada, một tờ báo bằng tiếng Anh có trụ sở tại Toronto, Canada. Báo được thành lập từ năm 1998.