Muốn "ép" được Trung Quốc, Mỹ cần phải tham gia UNCLOS
Nếu như Trung Quốc tỏ thái độ ngang ngược và bất chấp luật lệ quốc tế như vậy, thì Hoa Kỳ có thể làm gì để tăng cường sức mạnh của các thể chế toàn cầu ở châu Á – Thái Bình Dương? Câu trả lời là hãy gia nhập Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), cở sở pháp lý mà tòa trọng tài quốc tế về luật biển dựa vào.
Hành động này sẽ giúp Mỹ tăng cường thêm tiếng nói bởi việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không phải là việc sẽ ủng hộ hay chống lại bất kỳ một quốc gia cụ thể nào hay tuyên bố chủ quyền của nước này, mà đó là vấn đề đứng về phía các thể chế, quy tắc và luật pháp quốc tế.
Hoa Kỳ đóng một vai trò “cổ vũ” cho việc hình thành UNCLOS những năm 1970 và đang trong quá trình đàm phán tiếp theo để thay đổi ngôn ngữ hiệp ước nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia Mỹ được bảo toàn. Tuy nhiên, các Tổng thống dù thuộc đảng Cộng hòa hay Dân chủ đều nhất trí thông qua công ước này thì Thượng viện Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý.
Các chuyên gia cho rằng đây quả thực là điều đáng tiếc. Bởi giống như việc Mỹ giúp thúc đẩy các nước ký kết UNCLOS từ 40 năm trước thì việc gia nhập vào thời điểm này cũng mang lại nhiều lợi ích cho Washington. Công ước này được hình thành với nhiều điểm có lợi cho Mỹ: Washington sẽ là thành viên duy nhất có vị trí thường trực trong hội đồng quốc tế, tổ chức sẽ giám sát việc khai thác dưới đáy biển, bao gồm các nguồn tài nguyên dồi dào như năng lượng, khoáng chất và các kim loại quý.
Thêm vào đó, khu vực mà Mỹ có thể tuyên bố chủ quyền theo như các điều khoản mở rộng thềm lục địa của công ước là một vùng kéo dài từ Đại Tây Dương sang vùng bờ biển Thái Bình Dương, gần bằng với diện tích của bang Texas.
Mỹ cần phải tham gia Công ước UNCLOS để buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nguồn: Getty |
Việc Mỹ không phê chuẩn công ước sẽ làm giảm khả năng hợp tác toàn diện với các đồng minh và đối tác ở khu vực Đông Nam Á. Nếu Hoa Kỳ không tham gia vào UNCLOS, sẽ rất khó để nước này dựa vào công ước để giải quyết các tuyên bố và tranh chấp cũng như dựa trên các đường EEZ theo quy định của UNCLOS.
Thêm vào đó, một loạt quan chức Mỹ bao gồm Phòng Thương mại Hoa Kỳ, các tổ chức môi trường, quân đội, các nhóm công nghiệp đặc thù như ngư nghiệp, vận chuyển hàng hải và khai thách khoáng sản cũng đều ủng hộ việc Washington gia nhập công ước. Có lẽ điều quan trọng nhất là việc các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ đều khẳng định rằng gia nhập UNCLOS sẽ giúp Washington duy trì được quyền tự do hàng hải cũng như bảo vệ an toàn cho các tàu chiến của nước này.
Chính sách lâu nay của Mỹ là không can thiệp cụ thể vào các tuyên bố chủ quyền và tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc và các quốc gia khác tại Biển Đông. Tuy nhiên, theo chuyên gia của Foreign Policy, Washington có quyền xem xét việc các tuyên bố trên được điều chỉnh như thế nào cũng như các câu hỏi liên quan đến những địa hình khác nhau như rạn san hô, bãi đá, bãi cạn, đảo được phân loại ra sau theo luật pháp quốc tế.
Với những lợi ích an ninh quốc gia quan trọng trong các dòng chảy thương mại và sự tự do hàng hải trên khắp thế giới, Mỹ cũng cần phải tham gia vào quá trình giải quyết các tuyên bố về kinh tế và lãnh thổ thông qua định nghĩa về cấu tạo biển đảo lúc thủy triều lên xuống. Washington cũng có lợi ích ràng buộc trong quá trình đưa ra các quy tắc dựa trên luật pháp quốc tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tiến trình ngoại giao ở khu vực này.
Thật không may khi Trung Quốc đã ngang ngược tuyên bố rằng không chấp nhận và tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Như vậy, tình hình Biển Đông đã trở thành một trường hợp thử nghiệm cho cộng đồng quốc tế và khu vực: nếu Bắc Kinh và các quốc gia khác trong khu vực không thực hiện theo phán quyết của tòa án, không tuân thủ tiến trình UNCLOS thì đây sẽ là một “cơn gió mạnh” thổi vào trật tự khu vực cũng như hệ thống quốc tế.
Vụ kiện Biển Đông là một thử thách đối với Mỹ, buộc nước này phải chọn lựa giữa việc tiếp tục xây dựng một thế giới trật tự, theo quy định và luật pháp hay quay trở lại một thế giới không ổn định, dễ thay đổi và các nền chính trị cường quốc. Các chuyên gia Hoa Kỳ đang kêu gọi các thành viên Thượng viện ở cả hai đảng thông qua quy trình gia nhập UNCLOS vào phiên họp Quốc hội tháng 1/2017 sắp tới.
Việc Quốc hội Mỹ phê chuẩn UNCLOS sẽ giúp đảm bảo các lợi ích của nước này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tái khẳng định các nguyên tắc tự do hàng hải ở những vùng biển và không phận quốc tế theo luật pháp thế giới. Nếu Hoa Kỳ không tích cực hành động thì sẽ không thể bảo vệ được lợi ích và giá trị của Washington trong khu vực cũng như hỗ trợ cho các đối tác và đồng minh để xây dựng một trật tự thịnh vượng và dựa trên luật pháp ở châu Á – Thái Bình Dương.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Foreign Policy (Tạp chí Chính sách đối ngoại), tạp chí của Mỹ xuất bản 2 số/tháng. Tạp chí này được thành lập vào năm 1970, hiện nay do ông David Rothkopf làm chủ biên.