Mục sở thị làng làm kèn tây có 1-0-2 nổi tiếng ở Nam Định
Làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là nơi sản xuất và sửa chữa kèn đồng duy nhất trên cả nước. Không chỉ biết sửa chữa kèn đồng, người dân làng Phạm Pháo còn biết sử dụng thuần thục các loại kèn. Kèn đồng thường được sử dụng trong các dịp lễ lớn như: Trung thu, Noel, các hoạt động tôn giáo hoặc ở các đám tang trang trọng.
Trong làng Phạm Pháo, gia đình ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi) là thế hệ thứ 2 phát triển nghề làm kèn đồng, hầu như ai cũng biết đến.
Theo lời kể của ông Cường, vào những năm 1945, ông Nguyễn Văn Biên (bố ông Cường) đã mang kèn đồng về Nam Định, khi đó, người dân nơi đây vẫn chỉ biết đến nghề làm nông là chính. Sau khi cụ Biên mất, cả 3 người con của cụ là ông Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương đều nối nghiệp cha làm kèn.
“Cũng lâu lắm rồi, từ những năm 1945, khi người Pháp sang nước ta, mang theo các loại nhạc cụ, trong đó có kèn Tây. Lạ lắm, độc đáo lắm, tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, những chiếc kèn “đổ bệnh” không có ai sửa, có tiền thì cũng không mua được kèn mới, bố tôi mày mò sửa chữa, sau đó tiến đến sản xuất. Thế nên, từ khoảng năm 1970 đến nay tôi được theo bố làm nghề từ năm 1970”, ông Cường nhớ lại.
Theo ông Cường, hầu hết kèn đồng Phạm Pháo đều được làm thủ công, chỉ những chiếc kèn to thì mới sử dụng đến máy móc. Việc làm kèn đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chính xác trong từng công đoạn.
Những ống đồng được cán phẳng, gò tay thành một chiếc kèn và chỉ sử dụng máy uốn tự chế, máy tiện cho các chi tiết và công đoạn khó", ông Cường cho hay.
Chia sẻ với PV, ông Cường cho hay, công đoạn phức tạp nhất là làm kín để kèn đạt độ chính xác cao về âm, chất liệu làm kèn chủ yếu bằng đồng, mạ crom, vàng, bạc… tuỳ đơn đặt hàng.
Gò loa kèn phải dùng búa nhỏ (thường gọi búa cuốc) gõ đều từng nhát một. Khó khăn nhất là chế tác bộ pháo - trái tim của cây kèn. Khi chế tác quả pháo phải dùng các loại khoan nhỏ rất tinh vi, đòi hỏi kỹ thuật ''siêu phàm'' cùng một đôi tai thẩm âm chuẩn.
Cùng làm nghề nối nghiệp của gia đình, ông Nguyễn Văn Phương (em trai ông Cường) cho biết, ông theo nghề từ những năm học lớp 7, sau đó ông được vào Sài Gòn (TP.HCM) học hỏi để nâng cao tay nghề, khi học xong lại về làm ở quê. Hiện nay ông dạy thêm 8 người dân trong làng và các con của mình theo nghề làm và sửa chữa kèn đồng.
“Làm nghề này phải thật khéo léo, tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ của kèn thì mới làm được. Ngoài ra, tôi còn sửa được các loại kèn như trumpet, saxophone, bass, trombone, baritong…”, ông Phương nói.
“Con trai tôi từng học trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh ý đã đi làm công việc khác nhưng do việc của gia đình rất nhiều, một mình tôi không thể làm hết nên đã gọi con về làm cùng”, ông Phương chia sẻ thêm.
Theo ông Phương, điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Trong hầu hết các loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải nhập hoàn toàn từ phương Tây.
Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó, bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.
Ông Phương thử kèn ở chiếc kho nhỏ nằm sau nhà. Đây cũng là nơi ông sửa chữa kèn đồng cho khách. "Dù góc làm việc nhỏ, nhưng số lượng kèn các loại lên đến hàng trăm chiếc. Chỉ mong sao vẫn có sức khoẻ để theo nghề và truyền nghề cho con cháu mai sau", ông Phương chia sẻ và bộc bạch.
Bảo Khánh