Mùa trăng quê năm nào
Má tôi hay nấu cháo cá, đợi lũ con đi rước đèn về đói bụng thì ăn. Những mùa trăng phá cỗ bằng xoong cháo cá in dấu trong ký ức tôi.
Kẹo bánh phổ biến nhất dịp Trung thu hồi năm tám mấy ở quê tôi chính là kẹo chanh và bánh in. Loại kẹo rẻ tiền gói từng viên trong giấy màu xanh đỏ, vặn xoắn hai đầu rất đơn sơ. Bây giờ chắc chẳng đứa trẻ nào buồn ăn thứ kẹo mà ngày ấy đám con nít thèm thuồng. Trẻ nhỏ bây giờ chẳng còn mấy đứa biết bánh in - loại bánh làm từ bột nếp trộn đường, ép chặt lại. Nhưng đó thực sự là hai thứ quà Trung thu phổ biến, ngọt ngào trong tâm trí đám trẻ nhà quê chúng tôi một thời.
Ngày đấy, chưa tới Trung thu, bọn trẻ đã rộn ràng hau háu chuyện lồng đèn. Đa phần là tự “sáng tác” lồng đèn bằng lon sữa bò hay dán giấy bóng kiếng. Cảnh bị cháy lồng đèn là điều đáng sợ nhất trong mùa Trung thu. Đứa con nít sẽ òa khóc vì tiếc, vì thảng thốt, vì một đêm trăng vội vàng, chưa kịp trọn vẹn.
Lồng đèn lon sữa bò của trẻ nghèo chúng tôi hồi ấy. Ảnh: Internet |
Trung thu sợ nhất là trời mưa. Từ trưa đã thấp thỏm trông ngóng. Đoán già đoán non, thầm cầu xin ông trời đừng có… chơi ác. Ngày ấy ít niềm vui, hiếm sự kiện, và Trung thu quả thật là một lễ hội hoành tráng dành cho tuổi ấu thơ. Hễ mưa, là tắt hết…
Hồi đó, quê tôi trù phú, tôm cá dễ kiếm, nên mỗi dịp Trung thu, má tôi hay nấu cháo cá, đợi lũ con đi rước đèn về đói bụng thì ăn. Những mùa trăng phá cỗ bằng xoong cháo cá quây quần in dấu trong ký ức chị em tôi.
Cho tới khi tôi chuẩn bị rời nhà đi học xa, mới lác đác thấy cái “bánh Trung thu” của thời hiện đại xuất hiện ở phòng khách nhà mình. Đó cũng là lúc ba tôi đã về hưu, má tôi sau một lần trượt chân té ngã thì đi đứng có phần khó khăn. Cảnh nhà tĩnh lặng hơn, nhưng không vì thế mà bớt người lại qua vào đợt Trung thu.
Người ta vẫn mang tới khô sặc khô lóc tự làm. Mấy hũ mắm theo mùa. Có khi còn là một nải chuối xanh vừa hườm chín, chắc chắn được cắt ra từ vườn nhà. Loại trái cây này quê tôi có nhiều, dễ trồng, dễ mua, hầu như nhà ai cũng gắng sở hữu một vài bụi chuối cho con có cái ăn.
Chủ nhân của những món quà đó, là công nhân cũ của ba tôi. Người ta ngồi uống ly trà pha bằng nước mưa ba tôi hứng vô lu, nhắc chuyện cũ. Rằng hồi đó, nhà tôi nghèo, may nhờ có chú xin việc giúp. Còn nhớ có đận Trung thu mang bánh kẹo qua biếu, nhận lại túi quà còn nhiều hơn. Cô cứ nhất định dúi vào tay biểu mang về cho sắp nhỏ, không được từ chối. Thật là…
Tôi láng máng hiểu hơn về cái lẽ gọi là “nhân quả” ở đời. Về cái câu “cho đi thì còn mãi” má hay dạy bảo. Về những thơm thảo lại qua ở đời đôi khi không thể đo đếm được bằng tiền, bằng ký, bằng cân, bằng hộp. Về những ân tình chồng chéo giữa người với nhau trong đời.
Ảnh minh họa |
Năm rồi, tôi có dịp về thăm quê vào ngay giữa tháng Tám âm lịch. Trẻ con trong xóm vẫn còn đông lắm. Cuộc sống có khá hơn nhưng sự hào phóng của thiên nhiên thì không còn mấy nữa. Ai đổi đời nhờ đất, nhờ ruộng muối, vuông tôm, chứ đám con nít nhà nông thì vẫn tuềnh toàng. Tình cờ ở xã có tổ chức một đêm hội trăng rằm cho lũ trẻ. Ngoài vài thứ quà bánh, mỗi đứa được phát thêm một phần gà rán ngon lành, do vài người lớn tài trợ. Có thể nói, đấy là tiết mục chính được bọn trẻ háo hức chờ đón nhất. Lao nhao mở hộp ra ăn ngay. Tấm tắc.
Thế nhưng, tôi vẫn nhìn thấy một cậu bé gói ghém hộp quà của mình lại, lảng tránh ánh mắt khỏi cảnh tượng bạn bè đang vui vẻ thưởng thức. Hỏi lý do, đứa con trai ấy lí nhí: “Con để dành mang về cho mẹ ăn thử…”.
Tôi hôm ấy đã ân cần tặng riêng cho cậu nhóc một phần gà rán khoai tây chiên khác. Đợi đứa trẻ ngoan ấy ăn xong mới hối nó chạy về nhà đưa mẹ cho nóng. Nhìn bóng thằng nhóc lúp xúp chân sáo dưới ánh trăng đêm rằm, tôi tin rằng, xứ ấy, người ấy, dẫu có đổi thay thì mãi vẫn luôn ngập tràn yêu thương như thuở nào.
Hoàng My
Theo www.phunuonline.com.vn