Mưa lớn trái mùa, người dân khóc ròng vì lũ
Cứ tưởng mưa vàng...
Sáng 27-3, chúng tôi có mặt tại bãi dưa hấu lớn nhất nhì của tỉnh Quảng Ngãi, nằm giữa bãi bồi sông Trà Khúc, thuộc xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi. Tại đây, có gần 100 hộ trồng dưa với khoảng 100 ha sắp đến ngày thu hoạch. Thế nhưng, trận lũ trái mùa ngày 27-3 đã làm hơn một nửa diện tích dưa bị hư hại hoàn toàn.
Hàng chục ha dưa hấu của người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam chìm trong biển nướcẢnh: VĨNH QUYÊN |
Đứng mếu máo bên ruộng dưa hấu rộng khoảng 9 sào, bà Nguyễn Thị Kim, than thở: “Hôm kia thấy trời mưa sau bao ngày khô hạn, bà con ở đây ai cũng mừng, thế nhưng ai ngờ sau khi mưa, nước lũ đổ về. Dưa chỉ còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch nhưng bị nước lũ nhấn chìm hoàn toàn, bao nhiêu công sức, vốn liếng mất trắng”.
Không chỉ dưa hấu, các hộ trồng bắp, đậu; nuôi gà, cá lồng ven sông Trà Khúc, sông Vệ cũng bị thiệt hại nặng vì trận lũ trái mùa. Anh Nguyễn Văn Quang, một hộ nuôi vịt trên sông Vệ, cho biết vì lũ lên bất ngờ cuốn trôi gần 500 con vịt đẻ. “Từ xưa đến giờ làm gì có chuyện mưa lũ xảy ra vào tháng 3. Đây là trận lũ hết sức bất ngờ làm tôi trở tay không kịp” - anh Quang cho biết.
Khu vực bãi bồi ven sông Vu Gia, đoạn qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cũng có gần 20 ha dưa hấu, dưa gang và bí đỏ bị ngập úng nặng do nước sông đột ngột dâng cao. Ông Phan Văn Tuấn, một nông hộ trồng cả mẫu dưa hấu giống hắc mỹ nhân ven sông Vu Gia, buồn bã nói: “Dưa của tôi chỉ còn đúng 1 tuần nữa là xuất bán, nào ngờ chỉ qua một trận mưa, tất cả thành mây khói”.
Không chỉ vùng hạ du, mưa lớn liên tục đã gây ra lũ quét ở nhiều huyện miền núi của Quảng Ngãi như Sơn Tây, Ba Tơ, Tây Trà... Chiều 27-3, ông Huỳnh Thương, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho biết hiện vẫn còn khoảng 400 hộ dân ở các xã Ba Nam, Ba Bích, Ba Động... bị cô lập hoàn toàn do lũ quét.
Hiện tượng thời tiết chưa từng có
Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quảng Ngãi, cho biết nguyên nhân xuất hiện lũ ở Quảng Ngãi trong những ngày qua do mưa lớn trên diện rộng như ở xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, lượng mưa lên đến hơn 484 mm, huyện Sơn Hà 272 mm… “Đây là hiện tượng thời tiết chưa từng diễn ra ở Quảng Ngãi trong nhiều năm nay. Thậm chí ở các năm được xem có lượng mưa lớn vào tháng 3 như năm 1989 chỉ 200 mm, năm 1991, 1994 chỉ khoảng 220 mm…” - ông Sỹ nói.
Chiều 27-3, tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết hiện lũ trên các sông Trà Khúc, sông Vệ đang tiếp tục dâng cao. Mực nước lúc 13 giờ ngày 27-3 tại sông Vệ đạt 7,6 m, dưới mức báo động 3 0,47m; tại sông Trà Khúc đạt 3,58 m đang ở báo động 2.
Trong khi đó, theo ông Hồ Ngọc Mẫn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, do lượng mưa quá lớn nên mực nước sông Vu Gia dù ở mức báo động 1 vẫn gây ngập úng cục bộ. “Nước ngập nằm ngoài lưu vực lòng hồ thủy điện trong khi trong lưu vực lòng hồ thủy điện đã giữ nước nên chúng tôi kết luận không phải do xả lũ” - ông Mẫn khẳng định.
Thừa Thiên - Huế: Thủy điện xả lũ ngập trắng đồng
Người dân sống ở hạ du sông Bồ thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang điêu đứng vì thủy điện Hương Điền bất ngờ xả lũ. Ông Hoàng Vọng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, cho biết huyện này nhận tin thủy điện xả lũ từ 7 giờ ngày 27-3 và 3 giờ sau, nước đã ngập trắng đồng. Khoảng 1.700 ha lúa, hoa màu, hồ nuôi trồng thủy sản của các địa phương trên bị ngập sâu từ 0,7-1m, ước thiệt hại trên 50 tỉ đồng.
Giải thích về việc xả lũ, ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết do mưa quá lớn và bất ngờ khiến lưu lượng nước về hồ Hương Điền quá lớn nên buộc phải xả lũ. Cũng theo ông Hùng, việc xả lũ này có sự cho phép của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nguồn NLĐ