Mùa đông, trẻ bỏng nhiều, điều gì cần lưu ý?
Bỏng là một trong những tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày. Nguyên nhân gây bỏng có nhiều loại, trong đó nước sôi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ bỏng nhất. Đây là là tai nạn thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ ở độ tuổi 1-6.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, BS Nguyễn Thống, nguyên trưởng khoa Bỏng, BV Xanh pôn cho biết, thời điểm này hay gặp nhất là trẻ nhỏ thì bị bỏng nước canh, nước sôi.
Ở trẻ lớn hơn trong những gia đình có sử dụng bình nước nóng thì thường bị bỏng bình nóng lạnh do mở nhầm vòi nước nóng.
Còn đối với những gia đình nghèo, miền núi tắm trong buồng kín (để bếp than-đun nước tắm) thì hay bị ngất do ngửi phải khí độc.
Hoặc có trường hợp do trời lạnh, buồng tắm thiếu ánh sáng nên đã múc nhầm nồi nước nóng dội thẳng vào người…
“Đặc biệt, vào mùa đông trẻ hay đi tất nên chân cũng thường bị bỏng rất nặng. Tôi từng cấp cứu cho những bé bàn chân đến viện các vết bỏng phồng rộp, nhiều vùng da đã bị bóc ra lộ thịt…”, BS Nguyễn Thống thông tin.
Theo BS Thống, việc sơ cứu bỏng đúng cách rất quan trọng, giúp hạn chế tối đa những tổn thương do bỏng gây nên trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, khi trẻ không may bị bỏng người thân phải hết sức bình tĩnh loại bỏ ngay tác nhân gây bỏng và đưa trẻ ra khỏi nơi có tác nhân. Sau đó, nhẹ nhàng loại bỏ quần áo bị cháy, dính nước nóng khỏi vùng bỏng.
“Trong trường hợp nếu cởi lớp quần áo dính vào da gây khó khăn thì phải dùng kéo cắt, tuyệt đối không được cố kéo thật mạnh, không khéo kéo tụt luôn cả lớp da dính vào quần áo theo. Như thế nguy cơ tổn thương sẽ nặng hơn rất nhiều”, BS Nguyễn Thống nhấn mạnh.
Tiếp đến, người lớn cần nhanh chóng đưa vết bỏng của trẻ vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch mà không cần bôi thuốc gì vào vùng bỏng (như thuốc đỏ…).
Việc này giúp giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương, hạn chế tổn thương lan rộng.
Nếu không, có thể dội nước mát sạch lên đó vài lần. Vì ngay cả khi đã không còn tiếp xúc với tác nhân gây bỏng, nhiệt tích tụ ở vết bỏng vẫn tiếp tục gây tổn thương sâu hơn.
Sau đó bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng thêm bằng cách dùng bằng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng, tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm.
Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn làm cho vết bỏng nặng hơn rồi khẩn trương đưa bệnh nhân đến y tế gần nhất.
Nhiều người có thói quen bôi mỡ chăn, kem đánh răng hay việc đắp các loại thuốc nam khi bị bỏng, theo BS Nguyễn Thống đây là việc làm sai lầm, không cần thiết.
Vì lúc này trẻ vừa bị bỏng – chưa biết bỏng nông hay sâu, chưa làm sạch được vết thương do vậy nếu làm theo những cách trên các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán được độ sâu gây khó khăn cho các bác sĩ chẩn đoán, tiên lượng, điều trị.
Ngoài ra, chuyên gia cũng khuyến cáo không dùng đá để làm vết bỏng bởi điều này khiến vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, vùng da vừa bị bỏng sẽ bị lạnh đột ngột làm tế bào co lại khiến vết bỏng lâu khỏi và dễ bị loét hơn.
Để phòng tránh tai nạn bỏng ở trẻ nhỏ, BS Nguyễn Thống khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý để những thứ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm bật lửa … ở xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng tránh để giữa đường đi khiến người khác va phải.
Trong bếp, cần bố trí và sắp xếp nơi nấu ăn gọn gàng, sạch sẽ, đặt phích nước, nồi canh, nồi cơm tránh xa tầm với của trẻ. Đặc biệt, các phụ huynh không nên vừa ăn vừa bế trẻ. Nhất là vừa ăn lẩu, vừa bế trẻ… chỉ cần con khua tay là có thể bị đổ bát canh nóng hoặc vào nồi lẩu đang sôi sùng sục.
Cuối cùng, các bác sĩ cũng đưa ra lưu ý khi nấu ăn, các cán xoong, chảo nên quay vào trong tránh việc trẻ vô tình không để ý va phải gây đổ cả nồi đang đựng đồ nóng gây bỏng.
N. Huyền