Mù quáng "bài" Nga, Ukraine đang phải trả giá
Hồi tháng 1/2016, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vui mừng thông báo, đất nước ông đã sống sốt qua mùa đông đầu tiên không phải mua khí đốt Nga. Ông Poroshenko nói một cách đầy tự hào rằng, Kiev đã mua khí đốt châu Âu dù có bị đắt hơn tới 30% .
Theo ông Nicolai Petro, “hiểm họa” cốt lõi của nền kinh tế Ukraine không chỉ là tham nhũng, một vấn đề nghiêm trọng không thể giải quyết “một sớm một chiều”, mà còn là lựa chọn nhằm cắt đứt mọi quan hệ với Nga, một đối tác thương mại lâu đời của Kiev.
Trong chỉ hơn một năm, mức sống ở Ukraine đã giảm một nửa, đồng tiền bị mất tới 350% giá trị, lạm phát tăng vọt đến 43%. Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế đang sụp đổ, chính phủ vẫn trung thành với các chính sách kinh tế được xem là để “tự sát”.
Bằng cách “xé” các hợp đồng với Nga vào năm 2014, ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không Ukraine bị mất tới 80% thu nhập. Những doanh nghiệp từng là niềm tự hào của Kiev như nhà sản xuất máy bay Antonov đã bị phá sản; còn nhà sản xuất động cơ tên lửa Yuzhmash hiện đã giảm mạnh sản lượng, chỉ làm việc 1 ngày trong tuần.
Chính phủ Ukraine vẫn đang trung thành với các chính sách tách biệt khỏi Nga. |
Bằng cách cắt đứt mối quan hệ ngân hàng với Moscow, Kiev đã từ chối các khoản đầu tư và một sợi dây an toàn quan trọng của nền kinh tế đó là khoản tiền do người Ukraine làm tại Nga gửi về. Hồi năm 2014, có tới 7 triệu người Ukraine làm việc tại Nga và gửi tổng cộng 9 tỷ USD về nước, gấp 3 lần tổng tiền đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Ukraine có được hồi năm 2015.
Ông Nicolai Petro cho rằng, trong khi chính phủ muốn rời bỏ Moscow thì những người phải trả giá chính là những công dân Ukraine.
Trong bài phát biểu đầu tiên trong năm 2016, ông Poroshenko đã công bố những ưu tiên mới cho nền kinh tế Ukraine . Trong đó, chính phủ dự định chấm dứt trợ cấp cho sản xuất và công nghiệp, thay vào đó là thúc đẩy đầu tư vào công nghệ thông tin và nông nghiệp.
Tuy vậy, giờ vẫn chưa rõ ông sẽ bán những sản phẩm đó ở đâu bởi khi kí thỏa thuận thương mại tự do với EU, Ukraine đã làm mất đi thị trường lớn nhất của nước này là Nga.
Trong khi đó, chứng nhận của EU chỉ cho phép 72 công ty Ukraine xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Trong số này, 39 giấy phép là cho xuất khẩu mật ong. Dù vậy, trong 6 tuần đầu tiên của năm 2016, Ukraine đã xuất khẩu hết hạn ngạch của cả năm sang EU.
Một người đàn ông cầm cờ Nga tại Crimea. |
Cũng không rõ ông Poroshenko sẽ làm thế nào để biến nền nông nghiệp Ukraine cạnh tranh với thị trường toàn cầu như ông hứa hẹn, khi Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine cho hay, cứ 5 công ty nông nghiệp thì có 4 công ty bị phá sản. Hơn nữa, Ukraine sẽ lấy tiền ở đâu để mua máy móc nông nghiệp vì 80% số máy móc đều là nhập khẩu.
Chính bởi những chính sách như trên, chính phủ đã mất lòng tin của người dân. 70% người Ukraine được hỏi cho rằng, đất nước này đang đi lầm đường và 85% nói rằng họ không tin tưởng thủ tướng. Tỷ lệ ủng hộ ông Poroshenko cũng rất thấp, thấp hơn cả người tiền nhiệm Viktor Yanukovich trước khi bị lật đổ đầu năm 2013.
Tuy vậy, theo ông Nikolai Petrov, mặc dù chưa đến 2% số người được hỏi cho rằng Ukraine đang “ổn định”, nhưng hiện giờ dường như không có khả năng sẽ diễn ra một cuộc nổi dậy mới. Cho đến nay, chính phủ vẫn đưa ra được những biện minh để làm chệch hướng sự chú ý của người dân về trách nhiệm của chính phủ đối với tình hình kinh tế trầm trọng hiện nay.
Ví dụ, Kiev thường viện dẫn lý do Nga sáp nhập Crimea và bất ổn ở miền Đông để giải thích cho sự sụt giảm Tổng thu nhập quốc nội (GDP). Mặc dù đó đúng là lý do gây thiệt hại đáng kể nhưng chính những chính sách của chính phủ mới khiến tình hình tồi tệ như hiện nay.
Việc Ukraine phá hủy các cở sở công nghiệp, chủ yếu ở miền Đông, đã chuyển cán cân kinh tế và quyền lực chính trị sang các khu vực miền Tây.
Theo ông Nikolai Petrov, các nước phương Tây sẽ không tán thành chính sách trên bởi nó sẽ khiến hàng triệu người dân gặp cảnh bần cùng và những người này có thể sẽ thành người tị nạn ở châu Âu, một vấn đề nhức nhối của châu Âu hiện nay.
Ông Nikolai Petrov kết luận, cách tốt nhất để Kiev tránh được một hậu quả như vậy là phải thừa nhận, sự sống còn của nền kinh tế Ukraine phụ thuộc vào việc khôi phục các khoản đầu tư từ Nga chứ không phải các gói cứu trợ từ phương Tây.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin The Guardian, một nhật báo lớn được phát hành hàng ngày ở Vương quốc Anh.