Một xét nghiệm phát hiện nhiều bệnh ung thư có chính xác?
Gói xét nghiệm phát hiện ung thư được quảng cáo. |
Đủ các loại gói tầm soát ung thư
Chỉ cần nhấp chuột tìm từ khóa tầm soát ung thư, người ta có thể thu nhận được cả triệu kết quả và trong đó có hàng nghìn gói tầm soát ung thư khác nhau ra đời. Các bệnh viện cho tới phòng khám đua nhau đưa ra các gói tầm soát ung thư.
Lo sợ vì một người chú trong gia đình bị ung thư dạ dày, gia đình chị Hoàng Thị Cúc, sinh năm 1987 trú tại TP.Thanh Hóa đã đưa cả gia đình 5 người đi sàng lọc ung thư. Điều khiến chị Cúc mất ngủ là cả gia đình chị đều dương tính với vi khuẩn HP một loại vi khuẩn được chứng minh có liên quan tới ung thư dạ dày.
Chị Cúc và chồng đang điều trị diệt vi khuẩn HP. Mẹ chồng chị Cúc cũng bị viêm dạ dày kèm vi khuẩn HP. Ám ảnh căn bệnh ung thư dạ dày khiến vợ chồng chị Cúc vô cùng lo lắng. Con gái chị 3 tuổi cũng dương tính với loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
Không riêng gì chị Cúc, nhiều người lo sợ ung thư và tìm đến các gói sàng lọc ung thư với hi vọng có thể tìm ra được ung thư từ trong trứng nước. Được quảng cáo có thể phát hiện ung thư từ trong trứng nước, chụp PET/CT đã khiến nhiều người phát "sốt" khi cố gắng ăn tiêu tằn tiện để được 1 lần chụp PET/CT có thể phát hiện ra ung thư.
Ví dụ như trường hợp của anh Đào Văn Hùng (Linh Đàm, Hà Nội) khoe cả hai vợ chồng anh vừa đi chụp PET/CT với giá 22 triệu đồng/người về và các tổn thương trên PET/CT đều cho thấy họ vẫn trong giới hạn an toàn chưa có điềm báo ung thư.
Nhiều người đang ám ảnh với bệnh ung thư. |
Không giống anh Hùng, Vũ Ngọc Minh 21 tuổi (Việt Trì, Phú Thọ) chuẩn bị đi du học nên em tranh thủ tới một bệnh viện tư để tầm soát ung thư. Kết quả tầm soát từ xét nghiệm máu bác sĩ cho biết chỉ số CEA tăng. Minh nghe bác sĩ tư vấn khi CEA tăng thì có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại trực tràng, ung thư tụy. Minh về nhà mất ăn, mất ngủ. Bố mẹ Minh thấy con gái buồn bã, bỏ ăn và hay khóc. Lúc này, họ hỏi ra mới nghe Minh nói đi sàng lọc và được chẩn đoán có thể bị ung thư vì chỉ số CEA tăng.
Bố mẹ Minh cũng lo lắng. Cả nhà bắt đầu hành trình đi tìm ung thư cho cô gái trẻ. Kết quả, cả 3 bệnh viện khác đều cho rằng Minh hoàn toàn bình thường không có dấu hiệu nào của ung thư. Chỉ số CEA không phải là chỉ số xét nghiệm dành cho chẩn đoán ung thư.
Thương mại hóa, kinh doanh trên các gói tầm soát
Một chuyên gia y tế tại TP.HCM cho rằng, vài năm trở lại đây các gói tầm soát ung thư ra đời với đủ mức giá từ 1, 2 triệu đồng tới 40 – 50 triệu đồng. Các gói tầm soát đi kèm với cả quà tặng hấp dẫn đang là xu hướng mà nhiều bệnh viện đang đẩy mạnh quảng cáo và thương mại hóa, kinh doanh trên các gói tầm soát ung thư.
Các gói tầm soát đi chệch với mục tiêu phòng chống ung thư của thế giới. Với các gói tầm soát hiện nay, theo phân tích của bác sĩ Võ Quang – TP.HCM đang có sự nhầm lần giữa tầm soát và chẩn đoán sớm trong đó chúng ta cần phân biệt tầm soát khác hoàn toàn với chẩn đoán sớm.
Bác sĩ Võ Quang chia sẻ sự phân biệt này là cần thiết vì nó cực kỳ quan trọng khi cân nhắc về lợi/hại của một phương pháp chẩn đoán và giúp bác sĩ - bệnh nhân có một thái độ rõ ràng hơn. 4 sự khác nhau mà bất cứ ai cũng phải biết:
Thứ nhất: Tầm soát là để phát hiện sớm ung thư, thực hiện trên những người bình thường, hoàn toàn không triệu chứng. Chẩn đoán sớm ung thư nhằm phát hiện bệnh ở một giai đoạn có thể điều trị hiệu quả và đem lại tiên lượng tốt cho bệnh nhân, dù đã bắt đầu có triệu chứng lâm sàng.
Thứ hai: Tầm soát là vấn đề của cộng đồng, được thực hiện bài bản theo những khuyến cáo dựa trên y học chứng cứ và có sự đồng thuận của các nhà dịch tể học. Chẩn đoán sớm bệnh ung thư là vấn đề cá nhân, một cuộc đấu trí giữa bệnh nhân và bác sĩ ở một bên và bên kia là căn bệnh ung thư.
Thứ ba: Tầm soát được thực hiện trên người bình thường, vì thế ưu tiên áp dụng những biện pháp không gây tổn thương và hạn chế mức xâm hại với người tham gia. Chẩn đoán sớm thực hiện trên bệnh nhân đang có triệu chứng và công việc của người bác sĩ là phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Vì thế, những xét nghiệm dù có mức xâm hại cao hơn nhưng cần thiết thì vẫn được chấp nhận.
Thứ tư: Tầm soát dựa trên việc xác định nhóm rủi ro và chỉ định xét nghiệm chẩn đoán phù hợp. Nói cách khác, vai trò của bác sĩ gia đình là rất lớn. Ngược lại, chẩn đoán sớm chỉ có thể thực hiện nếu bệnh nhân đến sớm, khi vừa chớm có triệu chứng. Mấu chốt là bệnh nhân phải biết nhận ra sự bất thường để đi khám ngay, không chần chờ.
“Ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có hệ thống bác sĩ gia đình đúng nghĩa và Bộ Y tế cũng không có những hướng dẫn rõ ràng về việc tầm soát ung thư. Việc tầm soát này hoàn toàn mang tính cá nhân ở hai phương diện chỉ định và chi trả. Hoặc người ta đọc báo thấy những thông tin mang tính hù dọa, sợ quá. Hoặc bạn bè người thân mới mất vì ung thư, lo lắng quá ... bèn đi tầm soát ung thư, tất nhiên là móc tiền túi đi làm vì bảo hiểm y tế Việt Nam cho đến nay vẫn đứng ngoài cuộc. Người dân đi "tầm soát" về, không có bệnh gì, mừng vui hỉ hả đi nhậu ăn mừng và quên bẵng nó đi cho đến vài năm sau, khi căn bệnh phát ra mới ngạc nhiên vì vừa mới đi tầm soát” - bác sĩ Quang nhận định.