Một người thả cá, chục người câu!
Mặc dù có bảng cấm câu cá trên kênh rạch, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên câu cá.
Thư giãn thôi mà!
Hơn 20 năm nay, cứ vào dịp cuối tuần, cả nhà anh Hồ Thanh Phong (ở đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3) lại sắp xếp dây nhợ, lưỡi, cần câu, mồi… đi câu cá. Má của anh năm nay 76 tuổi, vẫn mê câu cá và lần nào bà cũng câu được nhiều cá nhất dù không sử dụng cần câu máy. Trước đây gia đình anh Phong thường tổ chức đi câu ở các sông rạch ngoại thành. Có khi còn mướn ghe máy đi câu dọc sông Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu… Từ khi nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo trong sạch hơn, cá được thả xuống, cả nhà anh Phong lại kéo ra đây câu cá.
Chiều chiều, ở ven bờ kênh Nhiêu Lộc, có nhiều người ra câu cá, mặc dù có biển báo cấm câu cá. Ảnh: THANH HẢI |
Hiện có rất nhiều người rủ nhau câu cá ở các kênh rạch, nhất là tầm chiều chiều ở ven bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé. Thậm chí dù nước kênh Đôi còn đen đặc, mùi oi nồng, vẫn có không ít người ra câu cá. Dù ai cũng bảo rằng chỉ câu để thư giãn nhưng thực ra họ là những người câu cá “chuyên nghiệp”, trang bị đầy đủ phương tiện hiện đại. Có người sử dụng 2 - 3 cần câu máy. Lại có người tranh thủ “tận thu” bằng cách mang vợt to để vớt cá.
Ban đầu cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên cấm người dân ra kênh câu cá, vì đó là hình ảnh đẹp của một thành phố bình yên và có môi trường nước trong lành. Nhưng dần ai cũng thấy không ổn khi ngân sách phải liên tục bỏ tiền mua cá giống thả xuống kênh, nhưng cá chưa kịp lớn đã bị dân câu cá xúm vào khai thác kiểu tận diệt. Nay, các đoạn kênh đều có lắp đặt biển “Cấm đánh bắt cá”, nhưng người câu vẫn tấp nập, đông đúc. Họ dựng xe ngay dưới lòng đường hay chạy vào tận bờ kè. Tại khu vực cầu số 4 bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Nguyễn Thanh Vinh (nhà ở quận 10) vừa câu được con cá trê rất to. Nghe hỏi việc câu cá ngay bên tấm biển báo cấm thì có lo bị phạt không, ông Vinh trả lời tỉnh rụi: “Câu chơi cho vui đó mà. Đâu có mua bán hay gây ô nhiễm gì đâu!”.
Tại mương nước dọc đường song hành xa lộ Hà Nội cũng có nhiều người ung dung ngồi câu cá ngay bên dưới cột điện cao thế. Trên các biển cấm câu cá còn lưu ý thêm: “Phía trên có điện cao áp gây chết người”, vậy mà cũng chẳng có tác dụng gì. Vẫn rê cần câu và nhìn chăm chú theo phao, ông Lê Hồng Quý (ngụ gần đấy) hồn nhiên: “Tui câu cá ở đây hoài, có thấy điện giật gì đâu. Nhiều lần tôi thấy có người còn lội xuống nước để lưới cá”. Thật ra, đợi đến lúc bị phóng điện cao thế là không kịp hối rồi!
Có ngăn được?
Mặc dù có nhiều người vẫn tranh thủ khai thác cá, đến nay TPHCM vẫn duy trì việc thả cá giống xuống các kênh, rạch này. Chính quyền các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Tân và huyện Bình Chánh đều cho cắm biển báo cấm câu cá dọc theo bờ kênh. Tuy nhiên, những người đến thả cần câu cá vẫn không bị ai phạt hay nhắc nhở, nên cấm cũng như không. Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND TPHCM đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp xử lý việc câu cá trên kênh rạch nội thành. Trước mắt, chính quyền địa phương cắm thêm biển báo cấm câu cá để làm cơ sở xử lý. Việc xử lý sẽ áp dụng Điều 36 Nghị định 93 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa. Theo đó, các hành vi đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động gây cản trở giao thông; đặt dụng cụ, để phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện hoặc đặt dụng cụ không đúng theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thủy nội địa… sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng.
Việc xử phạt hành vi câu cá trên kênh, rạch là cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, mức phạt như vậy vẫn không đủ sức răn đe đối với những người khai thác cá để bán. Chính quyền các địa phương cần phân công người thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, ngăn chặn việc câu cá trên kênh rạch. Mặt khác, cũng cần quy hoạch, khuyến khích tổ chức các điểm câu cá giải trí có thu phí để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
ĐOÀN HIỆP