Một năm đầy sóng gió và hỗn loạn của ông Tập Cận Bình
Các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với hệ quả của dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc sau khi ngân hàng trung ương nước này bất ngờ hạ giá đồng nhân dân tệ xuống gần 2%. Một số nhà điều hành môi giới bị kiểm soát chặt chẽ vì bị nghi ngờ làm “bốc khói” 5 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Trong khi đó, lực lượng cứu hộ vẫn nỗ lực làm sạch chất độc từ vụ nổ nhà máy hóa chất Thiên Tân khiến hơn 170 người thiệt mạng. Sự kiện này làm gia tăng những nguy cơ ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều thập kỷ sau cùng với sự tăng trưởng kinh tế bấp bênh ở Trung Quốc.
Những tuần lễ hỗn độn này cho thấy một năm với nhiều thách thức nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2012. Trong khi lãnh đạo Đảng Cộng sản nêu ra những thắng lợi như đồng nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế thì việc ông giải quyết những tồn đọng của thị trường hay đầu ra chậm làm dấy lên các câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có cam kết thực hiện những biện pháp cứng rắn cần thiết để xóa bỏ sự phụ thuộc vào nợ công của nên kinh tế hay không.
Steve Tsang, nhà phân tích đến từ Viện Chính sách Trung Quốc, ĐH Nottingham, cho rằng: “Về chính sách đối nội, năm 2015 là một năm khó khăn cho ông Tập nhưng cũng chưa hẳn là một năm kinh hoàng. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ông ấy không lên kế hoạch cho một năm 2016 lấy lại phong độ. Nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào và đảng lãnh đạo có thể đảm bảo hoạt động tốt ra sao sẽ là những vấn đề chính trong năm tới”.
2015 là một năm đầy thách thức của ông Tập. Nguồn: Getty |
Năm 2016 sẽ giúp làm sáng tỏ chính quyền của ông Tập có thể làm gì để điều chỉnh tất cả các vấn đề trên cũng như nhiều tồn tại khác, bao gồm các nỗ lực sắp xếp hợp lý hóa các doanh nghiệp nhà nước và đối mặt với một lực lượng lao động đang già đi nhanh chóng. Cân bằng sự phát triển kinh tế phi mã vẫn là trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong ba thập kỷ qua và sự xói mòn niềm tin vào năng lực duy trì sức mạnh kinh tế của chính phủ sẽ càng khiến nhiệm vụ này thêm nhiều thách thức.
Kế hoạch năm 2016
Ngày 21/12, tại Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc, các nhà lãnh đạo đã vạch ra kế hoạch cho năm 2016, theo đó sẽ triển khai thêm nhiều tác nhân kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ Bắc Kinh đang phấn đấu mức tăng trưởng 6,5% trong những năm tới và hội nghị tuyên bố các nhà lãnh đạo lên kế hoạch gia tăng thâm hụt, làm dấy lên những lo ngại mới rằng Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị để kiểm soát tổng nợ công ước tính khoảng 280% tổng sản phẩm quốc nội.
Theo kế hoạch của Hội nghị, bên cạnh tăng trưởng ở mức sàn là 6,5% thì như ông Tập cam kết trước báo giới, nước này sẽ hướng tới một khái niệm mới, đó là tăng trưởng chậm hơn nhưng ổn định, dựa ào tiêu dùng trong nước chứ không phải những dự án lớn như sân bay hay tàu điện cao tốc. Một viễn cảnh mà lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh né, đó là “kỷ nguyên mất mát” với khoản nợ lớn và mức tăng trưởng nhỏ như Nhật Bản.
Arthur Kroeber, giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Gavekal Dragnomics có trụ sở ở Bắc Kinh, cho hay: “Các cải cách tăng cường năng suất còn khá lâu mới thành hiện thực và ngân hàng trung ương vẫn thừa nhận rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi đòn bẩy. Đó là một chiến lược có thể thực hiện được nhưng rõ ràng là không thuận lợi và đặt ra nguy cơ Trung Quốc có thể kết thúc giống Nhật Bản trong một vài năm tới”.
Một số sự kiện khác trong năm nay cũng cho thấy các thách thức mà ông Tập sẽ phải đối mặt trong giai đoạn chuyển giao của nền kinh tế Trung Quốc. Các ngành công nghiệp nhà nước đã chờ đợi từ lâu để được đa dạng hóa các nhà đầu tư cũng như thoát khỏi cái bóng kiểm soát quá lớn của đảng lãnh đạo.
Quy mô gia đình
Thay vì hạn chế quy mô của một gia đình và xóa bỏ cơ quan kế hoạch hóa gia đình quốc gia với hàng nghìn nhân viên, ông Tập thay thế chính sách một con thành chính sách hai con. Và mặc dù chứng khoán đã tăng 13% trong năm nay nhưng việc chính phủ can thiệp bắt giữ đám đông trên thị trường chứng khoán hồi tháng 7 vừa qua đã cho thấy hành động không giống với lời cam kết của ông Tập về cải cách thị trường.
Giống như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, vụ nổ chết người ở Thiên Tân cũng dẫn đến nguy cơ sụt giảm sự ủng hộ dành cho đảng lãnh đạo giữa tầng lớp trung lưu, một lực lượng mà ông Tập cố lấy lòng bằng cái gọi là “Giấc mơ Trung Hoa”. Nguyên nhân của vụ nổ là bởi 700 tấn natri xyanua cất giữ một cách thiếu an toàn tại kho hàng gần khu dân cư sinh sống. Điều này đã làm bùng nổ làn sóng chỉ trích về kỷ nguyên sức mạnh của ông Tập.
Việc thiếu các quy định về an toàn dẫn đến vụ nổ Thiên Tân cùng với nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường đã quá sức chịu đựng của người dân Trung Quốc, đủ để họ tổ chức các cuộc biểu tình phản đối. Bên cạnh những thách thức đó, việc cải cách kinh tế của ông Tập cũng gặp không ít khó khăn theo sau sự tụt dốc của nền kinh tế cùng với chất lượng lao động đi xuống đe dọa đến bất ổn xã hội.
Ông Tập đã kiểm soát chặt chẽ những chỉ trích đối với chính phủ, kể cả trong các thành viên của đảng. Tổng biên tập báo Tân Cương là người đầu tiên phải chịu kỷ luật theo bộ quy tắc hành xử được ban hành hồi tháng 10, theo đó cấm “các cuộc thảo luận không phù hợp” về chính sách và đường lối của đảng.
Kiểm soát truyền thông
Rana Mitterr, giáo sư lịch sử và chính trị Trung Quốc hiện đại tại ĐH Oxford, phân tích: “Việc tiếp tục kiểm soát truyền thông cho thấy sự thiếu tự tin và những nguy cơ tụt giảm của nền kinh tế do thiếu tính minh bạch và văn hóa doanh nghiệp cần thiết. Chúng ta có lẽ vẫn phải chứng kiến một khoảng thời gian hẹp hòi này trong những năm sắp tới”.
Chủ tịch Trung Quốc đã đạt được một số thành công rõ ràng trong năm 2015. Ông đưa được đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ dự trữ thế giới và thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á, thu hút sự tham gia của một số đồng minh Mỹ bất chấp sự phản đối của Washington. Ông làm việc với Tổng thống Barack Obama tại Paris để đưa ra một hiệp định toàn cầu chống biến đổi khí hậu và thực hiện một vài chuyến viếng thăm cấp cao gồm chuyến đi tới Anh với một tinh thần thoải mái.
Cuộc gặp hồi tháng 11 của ông với nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cũng đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai bên. Và sáng kiến sắp xếp lại đội quân 2,3 triệu người của quân đội Trung Quốc đã giúp ông tăng cường thêm quy định vững chắc của đảng.
Joseph Fewsmith, giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Boston, cho rằng: “Ông Tập đã có một khoảng thời gian khó khăn hồi giữa năm nay nhưng việc cải cách quân đội cho thấy ông đã quay trở lại cuộc chơi. Không phải là năm thành công nhất nhưng cũng kết thúc với một dấu ấn đáng kể”.
Thách thức của ông Tập là kể từ khi nhậm chức, ông đã nắm quyền kiểm soát đối với các vấn đề bao gồm tài chính và cải cách kinh tế, các lĩnh vực mà trước kia do Thủ tướng nắm giữ. Dù tầm ảnh hưởng của ông đã mở rộng nhưng điều đó cũng có nghĩa là ông sẽ phải đối mặt với trách nhiệm khi có bất kỳ chuyện gì xảy ra, dù đó là điều tốt hay xấu.
Zhang Lifan, nhà lịch sử Bắc Kinh, kết luận: “Sau hai năm đầu của quá trình củng cố quyền lực nhanh chóng, năm thứ ba đánh dấu bằng câu hỏi về khả năng lãnh đạo của ông Tập. Nhìn về tương lai, càng ở trung tâm của cuộc chơi thì càng dính chặt lấy quyền lực. Các nguy cơ chính trị càng lớn thì việc kiểm soát càng phải chặt chẽ hơn”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.