Một mình sống giữa rừng suốt 32 năm
Ông là Đỗ Minh Tâm (60 tuổi) người chịu trách nhiệm giữ gìn đập nước tự nhiên, bảo vệ con đê của làng và là người giữ rừng ở thôn Vĩnh Tuy (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh).
32 năm trước, công trình đê Điều Gà của Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Ninh hoàn thành. Nước từ hồ tự nhiên chảy trong khe núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ là nguồn nước tưới cho hàng ngàn héc ta lúa của bà con toàn xã. Công trình vừa hoàn thành, những người đứng đầu hợp tác xã muốn có người trông coi, bảo vệ đập nước. Thời kỳ đó khu vực đập nước nằm tách biệt hoàn toàn với dân cư. Vậy là ông Tâm xung phong đứng ra gánh trọng trách giữ gìn con đê của cả làng mà không hề nhận một khoản thù lao nào.
Bà Đỗ Thị Hạnh (vợ ông Tâm) khi mới biết tin chồng mình nhận công việc đó liền ra sức can ngăn, còn nói ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
Cả gia đình cùng nhau góp ý, ngăn cản vậy mà ông vẫn nhất quyết giữ ý định vào rừng.
Ngày mới lên vùng rừng núi heo hút, ông Tâm cũng sợ lắm. Vậy mà cuối cùng ông cũng quen và gắn bó với công việc này suốt 32 năm trời. Lúc mới lên căn nhà ông ở chỉ là một cái lán đơn sơ. Sau mấy năm gió bão, ông được xây một căn nhà cấp bốn kiên cố.
Ông Tâm thường thả lưới đánh cá mỗi buổi chiều. |
Nhiều đêm mưa bão, ông phải cầm đèn pin, mặc áo tơi ra kiểm tra mực nước trong đập rồi điện thoại báo cáo với Ban phòng chồng lụt bão của xã. Trước kia, chưa có điện thoại, mỗi lần kiểm tra xong, thấy nước dâng lên cao quá ông phải đạp xe chạy về trong đêm báo cáo lại với xã để xã cử người lên gia cố lại đê. Vất vả là thế, vậy mà suốt nhiều năm, ông vẫn tận tụy với công việc thầm lặng của minh.
Nhớ lại những kỷ niệm xưa cũ, ông nén tiếng thở dài kể lại những vụ đuối nước thương tâm ở khu vực hồ chứa nước. Vài năm trước, có cả người thân của ông tắm ở hồ này bị chết đuối. Hôm đó ông cùng hàng chục người tìm kiếm từ sáng đến chiều mới thấy thi thể người thân. Vậy nên mỗi khi thấy có người đến tắm, đặc biệt là lũ học sinh nghịch ngợm ông đều nhắc nhở chúng không nên tắm ở những vùng nước sâu. Vừa làm việc ông phải để mắt và nhắc nhở không để chúng bơi ra quá xa bờ.
Vào dịp hè, nhiều nhóm học sinh tổ chức dã ngoại mang theo cả đồ ăn thức uống. khi đám học sinh ra về, ông lại cặm cụi nhặt từng chai nước, túi ni long vào thùng. Chiều chiều ông lại chèo ghe ra hồ thả lưới kiếm con cá con tôm làm thực phẩm hằng ngày.
Nhiều năm ông Tâm cũng là người chèo thuyền chở người miễn phí cho dân trong làng vào rừng làm nương làm rẫy.
Chị Đoàn Thị Minh- người thường xuyên đi đò vào rừng làm rẫy tâm sự- ông Tâm tốt lắm! chở người vào ra rừng làm nương, làm rẫy hay nhặt củi khô ông đều không lấy tiền. Chỉ khi nào có người thuê chở nhiều củi khô vận chuyển bằng thuyền ông mới lấy vài chục ngàn gọi là thôi.
Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền cũng như Ban chủ nhiệm hợp tác xã đã miễn các khoản đóng thuế hằng năm để khích lệ, động viên ông ngày càng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc gìn giữ công trình thủy lợi quan trọng nhất của xã.
Ông tâm sự: “Gắn bó ở đây mấy chục năm rồi nên mỗi khi có dịp về thăm nhà chỉ mấy tiếng thôi là tôi thấy nhớ chỗ này nên lại đạp xe lên trở lại.”
Hà Thế An/báo Quảng Bình