Một chiến đấu cơ Ukraine "lạc" tên lửa trong ngày MH17 rơi
Máy bay chiến đấu Su-25. |
Ngày 23/12, Sputnik đưa lại tin từ Komsomolskaya Pravda, trích lời một nhân chứng làm việc tại một căn cứ không quân cho biết, chiếc máy bay chiến đấu Su-25 của không quân Ukraine cất cánh từ căn cứ Dnipropetrovsk, miền đông Ukraine, chở theo các tên lửa không đối không. Nhưng khi quay về, chiếc máy bay đã không còn tên lửa nữa. Vụ việc xảy ra vào đúng ngày máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia gặp nạn.
Nhân chứng này cho biết, vào ngày 17/7, đã có ba máy bay chiến đấu của Ukraine cất cánh, trong đó có một máy bay Su-25 được trang bị tên lửa không đối không.
“Sau một lát, chiếc máy bay trở lại… Nhưng lúc này đã không còn tên lửa nữa. Viên phi công trông rất hoảng sợ”, theo lời nhân chứng. Người này còn nhấn mạnh rằng chỉ có chiếc Su-25 quay trở lại mới được trang bị tên lửa không đối không và chắc chắn đó không phải là tên lửa không đối đất.
Nhân viên này nói rằng anh ta nhớ rõ lời của phi công sau khi quay trở lại từ chuyến bay rằng “nhầm máy bay” và “chiếc máy bay này đã ở sai địa điểm, sai thời điểm”.
Người này không loại trừ khả năng viên phi công Su-25 có thể nhầm lẫn giữa chiếc Boeing dân dụng với một máy bay quân sự. “Điều này là có thể. Khoảng cách xa quá, anh ta có thể đã không nhìn rõ chiếc máy bay”, ông ta cho biết.
Chiếc Su-25 (NATO gọi là Frogfoot) chở theo loại tên lửa có thể nhắm đến mục tiêu cách xa 3-5 km, và ở độ cao 7.000 m. Ông nói thêm rằng, “Máy bay có mũi hướng lên trên nên việc phát hiện và hướng tên lửa vào mục tiêu không phải là vấn đề khó khăn. Tầm bay của loại tên lửa này là hơn 10 km”.
Nhân chứng cũng nói rằng quả tên lửa có thể bắn vào thân máy bay nếu ở khoảng cách 500 m.
Mảnh vỡ còn sót lại của máy bay MH-17. |
Chiếc Boeing MH17 của Hãng hàng không Malaysia đã bị rơi ngày 17/7 ở khu vực Donetsk, miền đông Ukraine khi đang bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur. Vụ tai nạn cướp đi tính mạng của toàn bộ 298 hành khách trên máy bay.
Vụ việc do tổ chức quốc tế thuộc Cơ quan An toàn hàng không Hà Lan DSB (Dutch Safety Board) đứng đầu cuộc điều tra. Báo cáo cuối cùng dự kiến sẽ được công bố năm 2015. Theo thông tin sơ bộ của DSB, chiếc Boeing bị “nhiều vật thể có năng lượng cao” đâm thủng từ phía ngoài, nhưng lại không tìm thấy nguồn tin về các vật thể này.
Kiev đã buộc tội lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine bắn rơi máy bay nhưng lại không đưa ra bằng chứng nào cụ thể về cáo buộc này. Lực lượng ly khai cũng tuyên bố họ không có thứ vũ khí nào có khả năng bắn hạ một chiếc máy bay ở độ cao như vậy.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh thị trường truyền thông thế giới. Sputnik sẽ chính thức thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.