Mỗi ngày 25 phụ nữ Việt qua đời vì căn bệnh này, có khả năng truyền cho con gái
Ung thư vú là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới hiện nay, mỗi ngày có khoảng 25 phụ nữ qua đời vì ung thư vú.
Theo thống kê của Globocan năm 2020, nước ta có gần 183.000 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 21.555 người mắc chiếm tỷ lệ 11,8%. Ngoài ra cũng trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 9.345 trường hợp tử vong vì căn bệnh này tương đương với 25 người qua đời sau 1 ngày, điều đặc biệt ung thư vú có mang tính di truyền.
Ths. BS Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho biết tại Việt Nam, ung thư vú đang là loại ung thư đứng thứ 2 trong các loại ung thư ở phụ nữ. Một điều đáng buồn là mỗi năm, tỷ lệ mắc ung thư vú dẫn đến tử vong ở phụ nữ Việt Nam là trên 50%.
BS Nguyễn Cảnh Chương - Giám đốc Trung tâm Đào tạo & Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội |
Đặc biệt các yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú cho nữ giới đó là yếu tố gia đình: phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn khi gia đình có người thân mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, có người thân mắc ung thư vú dưới 50 tuổi hoặc có đột biến gen BRCA1, BRCA2.
Vì vậy, phụ nữ có mẹ, dì, chị gái bị ung thư vú cần có các biện pháp sàng lọc ung thư vú sớm hơn để phát hiện sớm ra bệnh. Nếu phát hiện sớm, 90 % ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Ngoài ra, phụ nữ có kinh sớm trước 13 tuổi, mãn kinh muộn sau 50 tuổi hoặc không cho con bú,... đều làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
BS Chương cho biết một ghi nhận là những phụ nữ ăn nhiều mỡ động vật (đặc biệt là mỡ bò) và những người bị béo phì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Đó là tác động của khẩu phần ăn lên nguy cơ mắc ung thư vú.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, chúng ta cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, khám vú thường xuyên và chủ động tầm soát sớm bệnh.
Chị em phụ nữ nên tạo thói quen tự sàng lọc ung thư vú cho mình như khám vú tại nhà. Việc thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học: giảm một số chất béo như bánh ngọt, bánh pizza, xúc xích… tránh ăn mỡ, da động vật; thực phẩm chế biến sẵn; hạn chế đồ uống có cồn, rượu bia, đồ uống có ga.
Bổ sung đầy đủ chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa…) trong khẩu phần ăn hàng ngày. Ăn nhiều rau củ quả: những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 - 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
Thuốc lá cũng là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú vì vậy nên tránh xa khói thuốc lá, duy trì lối sống lành mạnh: hãy luôn thực hiện theo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục thường xuyên. Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.
Khi có các dấu hiệu sau người bệnh nên cảnh giác với ung thư vú.
Đau vùng vú: cảm giác đau của người bệnh có thể là đau dấm dứt không thường xuyên, thi thoảng đau nhói theo kiểu kim châm.
Chảy dịch đầu vú: một số bệnh nhân có biểu hiện chảy dịch đầu núm vú, có thể chảy dịch lẫn máu. Người bệnh cũng có thể tự sờ thấy khôi u vùng vú hoặc hạch vùng hố nách.
Đối với các khối u vú giai đoạn muộn có thế thấy các triệu chứng do khối u vú xâm lấn gây lở loét, hoại tử ra ngoài da, gây chảy dịch, mùi hôi thối.
Ngoài ra, người bệnh có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, ăn kém, gầy sút cân, đôi khi biểu hiện sốt.
Khi gặp những triệu chứng bất thường về tuyến vú, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Khánh Chi