Mối đe dọa Triều Tiên "ám ảnh" cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo Trung – Nhật – Hàn
Reuters đưa tin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có những cuộc gặp riêng biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày mai (23/12).
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (người đứng) gặp gỡTổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hồi tháng 5/2018. |
Sau đó, hai nhà lãnh đạo Hàn – Nhật sẽ di chuyển tới thành phố Thành Đô để tiến hành họp ba bên với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Dù ba nhà lãnh đạo Trung – Nhật - Hàn sẽ thảo luận nhiều khía cạnh liên quan tới kinh tế, song vấn đề Triều Tiên dường như sẽ “chiếm sóng” phần lớn.
Trong thời gian qua, chính quyền Bình Nhưỡng ngày có những tuyên bố tức giận về việc quốc gia này đã cho dừng tiến hành thử nghiệm tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân song các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiênvẫn chưa được gỡ bỏ.
Ngoài ra, Triều Tiên cũng đặt ra hạn chót vào ngày 31/12 để Mỹ đưa ra những biện pháp nhượng bộ nhằm cứu vãn tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân, nhưng Washington vẫn chưa hề có bất cứ động thái nào.
Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng Triều Tiên sẽ sớm cho thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hành động này sẽ đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận mà Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đã ký kết nhân hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ nhất diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018.
“Bảo vệ sự ổn định và nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như thúc đẩy một giải pháp chính trị cho bán đảo Triều Tiên là mối quan tâm của cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui chia sẻ với các phóng viên hôm 19/12.
Bên cạnh đó, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên, ông Stephen Biegun cũng đã gặp gỡ hai quan chức ngoại giao cấp cao Trung Quốc nhân chuyến thăm hai ngày tới Bắc Kinh hồi tuần này. Trước đó, ông Biegun đã tiến hành thảo luận với các quan chức Nhật – Hàn về vấn đề Triều Tiên nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột mới.
Tuy nhiên, phía Triều Tiên vẫn chưa đưa chưa đưa ra phản hồi sau khi ông Biegun công khai kêu gọi Mỹ - Triều nối lại đối thoại.
“Sự im lặng ngay cả sau khi ông Biegun có bài phát biểu tại Seoul khiến tôi cảm thấy quan ngại”, ông Jenny Town, giám đốc điều hành trang web 38 North chia sẻ trên Twitter.
Hôm 16/12, Ngacùng Trung Quốc đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt với Triều Tiên nhằm phá vỡ thế bế tắc cũng như tìm kiếm sự ủng hộ đối với tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều.
Song Mỹ đã lên tiếng phản đối và khẳng định giờ chưa phải là lúc gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Hiện không rõ, Bắc Kinh có thể lôi kéo Seoul và Tokyo tránh ủng hộ quan điểm của Washington để tiến tới dỡ bỏ lệnh trừng phạt với Bình Nhưỡng hay không.