Mổ xẻ "án phạt" 200 tỷ đồng cầu Nhật Tân
Để đảm bảo chất lượng và tiến độ cho một công trình tầm cỡ thật không hề đơn giản. GPMB luôn là bài toán nan giản, một trở ngại lớn nhất cho hầu hết các công trình. Đây cũng là một thách thức không nhỏ cho mỗi dự án trên địa bàn Hà Nội lúc này. Hàng loạt các dự án như đoạn cầu Nhật Tân dẫn đến sân bay Nội Bài, cao tốc Hà Nội đi Thái Nguyên, Nội Bài – Lào Cai cùng nhiều công trình lớn nhỏ khác đang bị bế tắc từ ngay khâu GPMB.
Xoay quanh câu chuyện chậm tiến độ ở những công trình trọng điểm trên địa bàn thủ đô, phóng viên báo điện tử infonet đã trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực giao thông để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Câu chuyện GPMB luôn trở thành khâu khó nhất khiến hầu hết các công trình bị rơi vào bế tắc. Bản chất của vấn đề này là gì, thưa ông?
Phải thừa nhận hầu hết các dự án giao thông đều bị chậm trong một thời gian dài vì khâu GPMB. Cầu Nhật Tân hay cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có thể coi là những ví dụ.
TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng chính sách đền bù chưa hợp lý khiến việc GPMB gặp nhiều bế tắc. Ảnh: IT |
Nguyên nhân thì nhiều lắm. Nhưng cơ bản vẫn nằm ở công tác tổ chức, triển khai kế hoạch. Quan trọng hơn cả là không tạo ra sự công bằng, đồng thuận trong việc đền bù với người dân. Chính cơ chế chính sách chưa đảm bảo, thiếu tính thực tiễn đã dẫn đến sự đối kháng giữa người dân với đơn vị thực hiện GPMB.
Nhưng nhiều công trình dù đã thực hiện theo đúng cơ chế chính sách, nhưng vẫn không thể tạo ra được sự đồng thuận?
Điều này có liên quan đến luật đất đai, thậm chí còn liên quan đến cả Hiến pháp. Cần phải thay đổi mạnh mẽ chế độ chính sách về cơ chế trong GPMB, để mỗi công trình đi qua người dân sẽ được đền bù một cách thỏa đáng. Luật đất đai sửa đổi lần này sẽ góp phần giảm bớt những vướng mắc từ khâu GPMB.
Đúng là nhiều dự án không giải phóng được mặt bằng có nguyên nhân do người dân chây ì, thiếu ý thức. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải kể đến chế độ chính sách chưa thực sự hợp lý. Có khi tiền đền bù đến với dân còn chậm. Thậm chí vấn đề tái định cư cho người dân cũng chưa tốt. Như vậy làm sao tránh khỏi công trình chậm tiến độ.
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Hà Nội, Bộ GTVT đã cho biết do công trình cầu Nhật Tân bị chậm 1,5 năm trong việc GPMB nên nhiều nguy cơ sẽ bị mất 200 tỷ đồng đền bù cho phía nhà thầu. TS bình luận gì về vấn đề này?
Để chậm bằng ấy thời gian, nhà thầu phạt là đúng. Bởi việc chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu không thể triển khai dự án. Nguồn vốn bị ứ đọng, lãi vay ngân hàng, rồi chi phí lao động phát sinh, giá cả vật tư tăng lên và muôn vàn các chi phí khác.
Để dẫn đến hệ quả như vậy, có lẽ đầu tiên xuất phát từ khâu quản lý, điều hành, vì anh đặt ra kế hoạch GPMB không chuẩn, không khớp, không đáp ứng được yêu cầu.
Nhìn chung công tác quản lý công trình và khai thác đầu tư ở Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Công trình chậm tiến độ không ít, nhưng công trình hoàn thành đúng tiến độ thì chất lượng lại không đảm bảo. Ví như đường 32 hay Cao tốc Láng Hòa Lạc chẳng hạn.
Việc GPMB cầu Nhật Tân chậm tiến độ khiến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại 200 tỷ đồng. Ảnh IT |
Nhân nói đến chuyện xây cầu, tôi lại nhớ đến những điều Đà Nẵng đã làm được trước đây.
Xin TS phân tích rõ hơn?
Tôi lấy ví dụ hai cây cầu Rồng, cầu Sông Hàn dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng rồi cuối cùng cũng hoàn thành đúng tiến độ. Vì sao người ta lại làm được điều đó?
Đầu tiên là cách làm của Đà Nẵng luôn bài bản, đi vào nề nếp và rất hiệu quả. Bên cạnh đó Đà Nẵng có được một người lãnh đạo có tâm huyết, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Tôi còn nhớ ngày đó ông Nguyễn Bá Thanh còn giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Vì cần thêm kinh phí, ông ấy đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho cây cầu. Và bản thân ông Nguyễn Bá Thanh đã gương mẫu bỏ ra 40 triệu đồng tiền riêng của mình để quyên góp xây cầu.
Nhiều quan chức sẽ không dám làm điều này, bởi họ sợ người ta nghĩ vì tham nhũng, tiêu cực nên mới giàu có như vậy. Còn ông Nguyễn Bá Thanh lại rất thẳng thắn, sống thật với lương tâm của mình. Bất kể ở đâu có vướng mắc, ông ấy đều có mặt để tìm cách tháo gỡ. Cầu Rồng đang bám sát đúng tiến độ theo dự kiến có nguyên nhân từ đó.
Thực chất đó là năng lực của người lãnh đạo. Thành công của Đà Nẵng là do họ có một người lãnh đạo luôn hết lòng vì dân, sẵn sàng xuống tận nơi để giải thích cho dân hiểu. Sở dĩ ông Nguyễn Bá Thanh làm nên một kỳ tích ở cây cầu Rồng và nhiều việc khác cho Đà Nẵng sau này vì ông ấy luôn biết lắng nghe dân, không chịu đầu hàng khó khăn, dám nói mạnh mẽ và làm đúng những gì đã nói.
Xin cảm ơn ông!