Máy bay quân sự Mỹ lượn lờ gần Crimea ngay sau khi Nga bắt 3 tàu Ukraine
Tờ Daily Star dẫn nguồn tin từ cổng thông tin của Bộ Quốc phòng Ukraine, máy bay trinh sát điện tử Boeing RC-135V đã bay qua Biển Đen sau khi khởi hành từ căn cứ không quân của Mỹ trên vịnh Souda ở đảo Crete của Hy Lạp.
Máy bay trinh sát điện tử Boeing RC-135V . |
Trong khi đó, trang web của Flightradar24 cho biết máy bay trinh sát điện tử của Mỹ đã bay gần bán đảo Crimea, khu vực sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014.
Được trang bị các cảm biến hiện đại, RC-135V là một trong những máy bay trinh sát được không quân Mỹ sử dụng nhằm thu thập, xử lý dữ liệu và truyền thông tin tình báo.
Chuyến bay của RC-135V được tiến hành ngay sau vụ việc Nga bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine xâm phạm lãnh hải hôm 25/11.
Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) tuyên bố ba tàu chiến của hải quân Ukraine là Berdyansk, Yanu Kapu và Nikopol đã vượt qua biên giới trên biển của Nga (qua đó vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) với mục đích đến được một khu vực tạm thời bị phong tỏa và hướng về phía eo biển Kerch.
Kết quả, Nga đã bắt giữ 3 tàu Ukraine cùng 3 thủy thủ. Những người này chỉ bị thương nhẹ và đã được phía Nga sơ cứu nên không ảnh hưởng tới tính mạng.
Về phần mình, chính quyền Ukraine khẳng định các tàu của hải quân nước này có quyền di chuyển tự do qua eo biển Kerch theo luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, FSB lại cáo buộc Kiev cố tình dàn dựng màn “khiêu khích” trên eo biển Kerch.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban hành thiết quân luật trong vòng 30 ngày và có thời hạn tới ngày 25/1/2019.
“Quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine nhằm đưa ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo chủ quyền và nền độc lập của Ukraine. Do đó, ban bố tình trạng thiết quân luật là điều vô cùng cấp bách”, phát ngôn viên Tổng thống Ukraine nhấn mạnh.
Vào cuối ngày 26/11, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã ra tuyên bố giữa lúc NATO và các nhà lãnh đạo phương Tây kêu gọi Nga – Ukraine cần bình tĩnh.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, ông "hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bao gồm quyền di chuyển trên các vùng biển theo luật pháp quốc tế”.