Máy bay MH370 bị quân đội Mỹ bắn rơi?
Cựu Giám đốc điều hành hãng hàng không Proteus của Pháp có tên Marc Dugain cho rằng Mỹ có thể đã bắn rơi máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia và sau đó che đậy vụ việc, khiến cho những tranh cãi về chiếc máy bay mất tích thêm gay gắt.
Trong một bài viết dài 6 trang được đăng trên báo Paris Match của Pháp, ông Dugain viết rằng chiếc máy bay có lẽ đã gặp vấn đề và khi bay đến gần căn cứ Mỹ đóng trên đảo Diego Garcia thuộc Anh ở Ấn Độ Dương, nó đã bị bắn rơi. Theo ông Dugain, quân đội Mỹ có lẽ đã lầm tưởng MH370 định tiến hành tấn công khủng bố giống như vụ 11/9 vào căn cứ.
Công cuộc truy tìm máy bay MH370 vẫn chưa có kết quả rõ ràng. |
“Đó là một căn cứ rất mạnh. Việc Mỹ hoàn toàn mất dấu vết của máy bay là điều đáng ngạc nhiên. Mặc dù đây vẫn chỉ là suy diễn, nhưng rất có thể Mỹ đã ngăn chặn máy bay này”, báo The Local trích dẫn lời Dugain vào ngày 19/12.
Dugain còn cho biết thêm rằng một số nhân chứng ở Maldives, hòn đảo gần với Diego Garcia nhất cách đó 500km về phía Bắc, nói rằng họ đã thấy “một chiếc máy bay lớn bay với độ cao rất thấp” có biểu tượng của Hãng hàng không Malaysia hướng về phía Diego Garcia.
Trước đó, vào tháng 8, báo Mirror của Anh đưa tin máy bay MH370 đang hướng về phía hòn đảo nhỏ Diego Garcia trên Ấn Độ Dương, nhưng Đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur đã phủ nhận việc này. Một phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ ở Malaysia nói với báo địa phương vào thời điểm đó rằng “không có bằng chứng nào cho thấy MH370 bay gần Maldives hay Diego Garcia” và nói thêm “MH370 không hạ cánh tại Diego Garcia”.
Dugain viết rằng máy bay MH370, đã biến mất vào ngày 8/3 với 239 người có mặt trong khi đang trên đường đi từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh, có thể đã bị cướp và sau đó đã bược phải đưa máy bay đến Diego Garcia.
Một khả năng khác, theo ông, là khoang máy bay bị phát hỏa trong khi bay khiến phi hành đoàn phải tắt các thiết bị điện, nhưng phần bên ngoài lại không bị ảnh hưởng. Do đó, máy bay tiếp tục bay trong trạng thái tự động và toàn bộ mọi người đã bị chết ngạt.
Tuy nhiên, Dugain cho biết, lời khai của các nhân chứng ở Maldives đã bị chặn lại và một sĩ quan tình báo Anh đã đến gặp ông và cảnh báo rằng ông sẽ gặp “rủi ro” nếu định tìm hiểu chuyện thực sự xảy ra đối với MH370. Dugain viết, do Anh nắm giữ chủ quyền của đảo, họ có quyền giữ kín những sự việc không hay.
Phía Mỹ đã liên tục phủ nhận rằng họ có những thông tin về số phận của máy bay chở khách ấy, nhưng Dugain tỏ vẻ nghi ngờ Mỹ khi một nước “có những công nghệ hàng đầu trên thế giới” lại có thể mất dấu hoàn toàn “một vật thể dài 63 mét”.
Tim Clark, Giám đốc điều hành của Emirates Airlines, hãng hàng không lớn nhất thế giới, phát biểu vào tháng 10 rằng ông nghĩ thông tin về chiếc máy bay mất tích đang được ai đó nắm giữ và rằng ngay cả khi toàn bộ hệ thống liên lạc bị ngắt thì máy bay vẫn có thể được phát hiện bởi hệ thống rađa của quân đội.
Đã có những đồn đoán khác nhau về chuyện đã xảy ra đối với chiếc MH370. Cụ thể, nhà báo Anh Nigel Cawthorne nói rằng máy bay có thể đã bị bắn rơi trong một cuộc tập trận diễn ra giữa Thái Lan, Nhật Bản, Indonesia, Mỹ và một số nhân viên của Trung Quốc tại Biển Đông.
MH370 đã mất tích kể từ ngày 8/3. |
Một giả thuyết khó tin khác là, chiếc MH370 có thể đã bay về phía Bắc khi đang ẩn mình dưới một máy bay khác và sẽ tránh được bị rađa phát hiện trước khi rẽ sang hướng khác và hạ cánh tại một sân bay tại Đông Bắc Trung Quốc, Kyrgyzstan hay Turkmenistan.
Ngoài ra, một khả năng nữa cũng được nghĩ đến, đó là một vụ cướp máy bay bất thành. Phân tích từ dữ liệu rađa cho thấy máy bay bắt đầu bay một cách bất thường và đạt độ cao khoảng 13.700km trước khi xuống đến độ cao rất thấp.
Các phi công có thể đã bay như vậy nhằm làm những kẻ không tặc mất phương hướng, hoặc chính những tên không tặc này đã cho máy bay bay lên cao nhằm giết chết hành khách bằng cách giảm áp khoang máy bay và làm giảm khí oxy, trong khi chúng được trang bị nguồn oxy riêng. Theo giả thuyết này, nỗ lực đã thất bại và bọn không tặc đã tự giết mình.
Vào tháng 10 vừa rồi, cuộc điều tra đã tập trung vào cuộc tìm kiếm dưới nước. Đến ngày 17/12, hơn 11.000km2 đáy biển đã được rà soát. Cuộc tìm kiếm ở vùng biển phía Tây Nam Ấn Độ Dương đang được tiến hành bởi 3 tàu và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 5/2015.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.