Máy bay AirAsia mất tích: Do thời gian hay thời tiết?
Một nguồn tin cho biết, đây có thể là nguyên nhân gây ra thảm kịch này.
Khi các tàu và máy bay của Indonesia trục vớt được các mảnh vỡ và thi thể nạn nhân xấu số trên chiếc máy bay gặp nạn, thì cuộc điều tra về thảm kịch xảy đến với chiếc máy bay chở theo 162 người chỉ mới bắt đầu.
Một người đàn ông đặt hoa tưởng niệm nạn nhân trên chuyến bay xấu số Air Asia QZ 8501 ở Batu, Đông Java, ngày 30/12/2014. |
Nghi vấn hàng đầu được đặt ra ở đây là liệu phi hành đoàn có yêu cầu được thay đổi độ cao của máy bay hay không, hay đã tự thực hiện việc này trong trường hợp khẩn cấp lúc đó; và liệu cơn bão trong khu vực có liên quan trực tiếp đến vụ việc?.
"Chúng tôi biết rằng thời tiết ở khu vực này rất xấu, và đã có một cơn bão quét qua thời điểm máy bay di chuyển trong khu vực”, một quan chức giấu tên cho hay.
Ông cũng bổ sung: "Tại sao anh ấy (phi công) yêu cầu tăng độ cao của máy bay vào thời điểm đó? Có phải anh ta đã tự ý thay đổi độ cao của máy bay trước đó? Một chiếc máy bay khác đang bay ở độ cao cao hơn trong cùng khu vực. Hai viên phi công đã vật lộn với thời tiết như thế nào? Chúng tôi đang đặt ra những câu hỏi này".
Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (NTSC) sẽ dẫn đầu cuộc điều tra về vụ tai nạn của chiếc Airbus A320, cùng với đại diện của các quốc gia khác như Mỹ, Pháp và Anh.
Nguồn tin giấu tên cho hay, các bằng chứng liên quan như dữ liệu radar, dự báo thời tiết, và đoạn thông tin liên lạc giữa viên phi công và kiểm soát không lưu đã được thu thập và đang được nghiên cứu.
Hiện vẫn chưa tìm thấy hộp đen ghi lại hành trình chuyến bay, và nguồn tin trên cũng khẳng định vẫn còn quá sớm để kết luận chắc chắn về nguyên nhân gây ra vụ tai nạn trên.
Lộ trình của chuyến bay tử nạn QZ8501, theo thôn tin từ Flightradar24.com |
Cơ trưởng chuyến bay gặp nạn, ông Iriyanto, 53 tuổi, đã có hơn 10 năm làm huấn luyện viên phi công trước khi thực hiện các chuyến bay cho các hãng hàng không thương mại, bao gồm Merpati Airlines, Adam Air, và trong ba năm qua là AirAsia.
Ông từng là phi công lái máy bay chiến đấu trong lực lượng không quân Indonesia, bạn bè và người thân của ông cho hay.
Giám đốc Điều hành AirAsia Tony Fernandes cũng lên tiếng hiện giờ còn "quá sớm để suy đoán" về nguyên nhân của vụ tai nạn.
Thông tin với các phóng viên ở Surabaya, ông nhận định: "Tôi hoàn toàn tin tưởng vào phi hành đoàn của tôi. Phi công của chúng tôi rất dày dạn kinh nghiệm, với 20.000 giờ bay.
Ông ấy xuất thân từ lực lượng không quân, và là một trong những học viên xuất sắc nhất của họ. Do sinh sống ở Surabaya nên ông ấy nắm rất rõ địa thế của khu vực này".
Cơ phó trên chuyến bay này là ông Remi Plesel, đến từ Pháp.
Theo chính quyền Indonesia, vào lúc 6h12 sáng Chủ nhật, 36 phút sau khi rời Sân bay Juanda Surabaya, Indonesia để đến Singapore, cơ trưởng trên chiếc máy bay xấu số đã đề xuất với kiểm soát không lưu Jakarta về việc thay đổi độ cao máy bay từ 10.000 mét lên 11.500 mét, và bay chệch sang bên trái để tránh thời tiết xấu.
Hai phút sau, Jakarta đưa ra phản hồi cho phép QZ8501 bay chệch sang bên trái 7 dặm (11.2 km), nhưng chỉ được bay lên độ cao 10.362 mét; tuy nhiên lúc đó họ không nhận được tín hiệu trả lời từ buồng lái. Radar của ATC vẫn lần theo tín hiệu của QZ8501 thêm 3 phút nữa, trước khi chiếc máy bay biến mất lúc 06h18.
Flightradar24.com, một trang web sử dụng dữ liệu radar để theo dõi trực tiếp máy bay cho hay, một chiếc máy bay khác trong khu vực đang bay ở độ cao giữa 10.362 mét và 11.800 mét vào thời điểm QZ8501 biến mất.
Ngoài ra, các nhà điều tra đang lật lại vụ tai nạn của chuyến bay AF447, thuộc hãng hàng không Air France, xảy ra năm 2009 để tìm ra manh mối cho vụ tai nạn xảy ra hôm Chủ nhật (28/12).
Cuộc điều tra cho thấy phi công trên chiếc Airbus A330 đã mất kiêm soát tốc độ đọc do các tinh thể băng bám đày ống pitot của bộ cảm biến đo tốc độ của máy bay, và phản ứng hoảng loạn thiếu chính xác của hai viên phi công đã khiến chiếc máy bay lao xuống Đại Tây Dương.
"Hai vụ tai nạn máy bay trên không giống nhau. Nhưng có những điều kiện tương đồng như thời tiết, và chúng ta phải thận trọng xem xét chi tiết này", một cựu điều tra tai nạn máy bay ở Indonesia cho biết.
Một phi công của Qantas Airways với 25 năm kinh nghiệm bay trong khu vực này cho biết, phi công thường tăng độ cao máy bay để tránh mây.
Viên phi công giấu tên khẳng định: "Nhưng hoạt động của máy bay liên quan trực tiếp đến nhiệt độ bên ngoài và việc tăng độ cao máy bay có thể khiến radar tĩnh bị lạnh, dẫn đến việc phi công đọc sai thông tin trên radar".
Ông cũng bổ sung thêm, việc này dẫn đến hậu quả rất nguy hiểm, đó là viên phi công thực hiện thao tác điều khiển máy bay không chính xác, như hất mũi máy bay. Do đây là trường hợp khẩn cấp, nên phi công không có thời gian để phát đi tín hiệu cầu cứu.
Một phi công dày dạn kinh nghiệm khác nhận định, tại thời điểm đó, phi hành đoàn có thể "quá hoảng loạn", tức là "khi họ đang bị choáng ngợp bởi tình hình; không thể suy nghĩ sáng suốt để đưa ra lựa chọn hợp lý, và chỉ hành động dựa trên những gì họ quan sát được trong buồng lái. Và thật không may, đây thường là những hành động sai lầm”.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.