“Mãnh thú” Pantsir-S tiếp lửa cho S-400 giúp Nga bảo vệ bán đảo Crimea
Hôm nay (30/11), Sputnik đưa tin theo Văn phòng báo chí của Quân khu phía Nam, hệ thống phòng không của đơn vị này đã được tăng cường thêm với sự xuất hiện của các hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung Pantsir-S. Hệ thống này trực chiến tại bán đảo Crimea từ hồi tháng 10.
Hệ thống tên lửa đất đối không “Mãnh thú” Pantsir-S của quân đội Nga. |
“Các tổ hợp Pantsir-S mới nhất được triển khai tới bán đảo Crimea hồi tháng 10 năm nay theo chương trình tái vũ trang cho Quân khu phía Nam”, Văn phòng báo chí của Quân khu phía Nam nhấn mạnh.
Hồi đầu tuần này, một tổ hợp hệ thống phòng không S-400 mới của Nga đã chính thức đặt trong tình trạng trực chiến ở thị trấn Dzhankoy nằm gần bán đảo Crimea. Trong khi đó, thị trấn Dzhankoy chỉ nằm cách biên giới Ukraine 12 dặm. Ngoài ra, 3 tổ hợp S-400 khác của Nga cũng đã được triển khai tới gần các thành phố Feodosia, Yevpatoria và Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Pantsir-S là hệ thống tên lửa đất đối không tầm ngắn và tầm trung chính thức được biên chế vào quân đội Nga hồi năm 2012.
Mỗi tổ hợp phòng không Pantsir-S1 gồm 2 khẩu pháo phòng không tự động 2 nòng 30 mm và các tên lửa đất đối không 57E6 cùng với radar hoặc thiết bị quang học theo dõi mục tiêu cùng đài chỉ huy vô tuyến.
Bán đảo Crimea thuộc Ukraine nhưng sau một cuộc trưng cầu dân ý, bán đảo này đã sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga hồi năm 2014.
Mới đây, căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát mạnh mẽ trở lại sau vụ việc lực lượng bảo vệ biên giới Nga bắt giữ 3 tàu hải quân và 3 thủy thủ Ukraine sau cáo buộc vi phạm lãnh hải quốc gia hôm 25/11.
Cụ thể, Cơ quan An ninh liên bang Nga (FSB) tuyên bố ba tàu chiến của hải quân Ukraine là Berdyansk, Yanu Kapu và Nikopol đã vượt qua biên giới trên biển của Nga (qua đó vi phạm Điều 19 và 21 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển) với mục đích đến được một khu vực tạm thời bị phong tỏa và hướng về phía eo biển Kerch.
FSB còn công bố đoạn video ghi lại cảnh 3 thủy thủ Ukraine bị Nga bắt giữ trong vụ va chạm trên eo biển Kerch thừa nhận, họ đã cố tình xâm phạm lãnh hải của Nga và phớt lờ những lời cảnh báo và yêu cầu dừng lại từ phía cơ quan chức năng Nga.
Về phần mình, chính quyền Ukraine khẳng định các tàu của hải quân nước này có quyền di chuyển tự do qua eo biển Kerch theo luật pháp quốc tế.