Mái ấm nuôi nấng hơn 50 trẻ bất hạnh của vợ chồng nghèo
Mặc dù khó khăn về kinh tế nhưng vợ chồng anh Thin, chị Lững (ở Kon Tum) vẫn tiếp nhận, cưu mang, nuôi dưỡng 52 phận đời bất hạnh. Tới nay, nhiều cháu đã trưởng thành, lập gia đình và có việc làm ổn định.
Cô bé mồ côi trở thành "mẹ" của 52 đứa trẻ bất hạnh
Được nuôi dưỡng trong Cô nhi viện từ nhỏ, sống trong vòng tay yêu thương của các sơ, Y Lững (37 tuổi, người dân tộc Xê Đăng, ở thôn 2, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) sớm đồng cảm với những số phận gặp khó khăn trong cuộc sống.
Đến năm 18 tuổi, chị Y Lững xin ra ngoài để lập nghiệp. Thời gian đầu tự bươn chải với nỗi lo cơm áo gạo tiền, vất vả gian nan đủ bề, nhưng sự biết ơn và tình yêu thương vẫn luôn thôi thúc chị nối nghiệp của các sơ. Năm 19 tuổi, chị lập gia đình với anh Thin. Thật may mắn, anh Thin chồng chị cũng là một người có trái tim nhân hậu nên đã nhiệt tình cùng chị thực hiện ước muốn.
Anh Thin chia sẻ: “Tôi vào Kon Tum cùng với anh em họ hàng từ năm 2002. Hồi đó, tôi cũng làm đủ nghề để kiếm tiền. Thấy vợ tôi quyết tâm thực hiện mong muốn giúp đỡ những em nhỏ có cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng bàn bạc với nhau, lên phương án cưu mang trẻ em nghèo. Ngôi nhà mà vợ chồng tôi và các cháu đang ở đây do hai vợ chồng chắt góp xây dựng từ năm 2004, sau đó được các nhà hảo tâm hỗ trợ, mở rộng thêm diện tích”.
Anh Thin (đứng ngoài) cùng đoàn từ thiện đến từ Gia Lai. |
Cuộc sống không dư dả về kinh tế nhưng luôn giàu lòng nhân ái. 15 năm qua (2005-2020), anh Thin, chị Lững đã tiếp nhận 52 cháu nhỏ, dành tình yêu thương, tận tình nuôi dưỡng các cháu như chính những đứa con ruột của mình.
“Các cháu ở đây có hoàn cảnh rất đáng thương, đứa thì mồ côi, đứa thì gia đình đông con, khó khăn. Gia đình các cháu ở khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Về ở đây, các cháu được học từ cấp 1 đến cấp 3. Trong 52 cháu nhỏ được nuôi dưỡng cũng có một số đã trưởng thành, lập gia đình ra ở riêng và một số có việc làm ổn định”, chị Y Lững cho hay.
Tiếng lành đồn xa, anh Thin, chị Lững được nhiều người biết đến và khen ngợi hết lời. Đến thăm ngôi nhà ấy, PV tận mắt chứng kiến cuộc sống hàng ngày của hàng chục người trong ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ, trông giống như một điểm trường nằm sâu trong thôn bản.
Những đứa trẻ trong mái nhà đơn sơ gọi anh chị là “Bố Thin”, “Mẹ Lững”. Chúng biết ơn, trân trọng anh chị như cha mẹ, như người sinh ra chúng lần thứ hai và luôn bên cạnh, che chở,...
Y Lững (ngồi bên phải) bên hàng chục người "con nuôi". |
Chị Y Lững chia sẻ: “Ngày xưa mình ở Cô nhi viện thiệt thòi nhiều thứ nhưng mình được các Sơ nuôi dạy, yêu thương. Lớn lên, mình cũng muốn giúp đỡ người khác vượt qua khó khăn và mong muốn tạo cho họ cơ hội để thay đổi số phận”.
"Hành trình yêu thương" còn nhiều khó khăn
Trao đổi với PV, bà Y Khuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa nhận xét: “Chị Lững là một công dân tốt, không những cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi mà còn giúp đỡ những em gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, theo quy định thì chị Lững lại chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất để được hỗ trợ như một cơ sở cưu mang trẻ em. Xã đã hướng dẫn cho chị Lững hoàn thành các thủ tục để được cơ quan chức năng hỗ trợ, bớt đi phần nào vất vả khi hàng ngày lo cho hàng chục trẻ em”.
Gia đình chị Lững không khá giả, cả hai vợ chồng đều làm nông. Những ngày rảnh rỗi, anh Thin đi làm công nhân xây dựng để kiếm thêm thu nhập, còn chị ở nhà tăng gia sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ để cải thiện cuộc sống. Tổng thu nhập của anh chị chưa đủ để mua nhu yếu phẩm cho hàng chục người trong gia đình. Theo tính toán, mỗi ngày chi phí mua lương thực thực phẩm cho "đại gia đình" hết khoảng 500 ngàn đồng.
Chị Lững tâm sự: “Thi thoảng cũng có đoàn từ thiện về thăm và hỗ trợ các cháu, nhưng cũng chỉ giúp đỡ được khoảng 40%, còn lại 60% chi phí thì 2 vợ chồng tự trang trải”.
Hàng chục đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh đang được đùm bọc tại ngôi nhà nhỏ của anh Thin, chị Lững. |
Em Y Nút (học sinh lớp 8, người dân tộc Thái, nhà ở thôn 2, xã Sa Long, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum; hiện sống ở nhà chị Lững) chia sẻ: “Bố con tên Cham, mẹ con mất rồi. Hai chị em con ở đây lâu rồi. Bố mẹ Lững thương con lắm. Hằng ngày con nấu ăn, chặt củi, trồng rau trong vườn và đi học”.
Bà Trương Kiều Phương Xuân, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Ở địa phương không có nguồn để hỗ trợ nhà chị Lững, thi thoảng có đoàn từ thiện tôi cũng giới thiệu họ về để giúp đỡ, nuôi các em. Mở ra một cơ sở cưu mang những mảnh đời gặp khó khăn thì đó là việc làm rất tốt, địa phương rất tạo điều kiện nhưng vẫn phải làm đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật”.
Bá Tứ