Ma trận thực phẩm chức năng: Người thân của cục trưởng Cục ATTP cũng mắc lừa
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ về chuyện thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng xã hội. |
Ma trận quảng cáo
Theo PGS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, người dân bức xúc với việc thực phẩm chức năng quảng cáo thái quá.
Ông Phong cho biết chính người thân của ông ở quê cũng từng bị những quảng cáo "nổ" công dụng thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh.
Hiện nay, tình trạng quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên facebook diễn ra rất tràn lan.
Những quảng cáo cho rằng sản phẩm có thể chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai vì thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh, không có tác dụng chữa bệnh. Thậm chí, có quảng cáo đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm ký xác nhận nhưng Cục hoàn toàn chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ.
Hầu như ngày nào cán bộ của Cục An toàn thực phẩm cũng phát hiện các quảng cáo tung hô thực phẩm chức năng có khả năng "trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi"...
Để ngăn chặn quảng cáo "nổ" trên mạng xã hội, ông Phong cho biết Cục An toàn thực phẩm đã có buổi làm việc với đại diện facebook cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiện tại, phía facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các trang web, tài khoản vi phạm.
Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội.
"Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các bộ, ngành, cần sự hợp tác của facebook trong quản lý lĩnh vực này", ông Phong nói.
Ông Phong khuyến cáo tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không nên mua.
Thực phẩm chức năng là gì?
Theo ông Phong, thực phẩm chức năng là những sản phẩm hỗ trợ chức năng, các bộ phận cơ thể của con người. Thực phẩm chức năng có thể có nguồn gốc từ động vật, thực vật, khoáng vật và các hoạt chất sinh học khác có tác dụng nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Thực phẩm chức năng là những sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm truyền thống và thuốc. Thực phẩm chức năng bắt đầu phát triển ở Nhật Bản từ những năm 80 của thế kỷ trước, sau đó phát triển sang những nước như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc, Canada…
Thực phẩm chức năng vào Việt Nam bắt đầu từ khoảng năm 2000, lúc đầu chủ yếu là một số sản phẩm nhập khẩu. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế rất lớn, đó là kinh nghiệm sử dụng thuốc đông y, sử dụng dược liệu để hỗ trợ điều trị hoặc nâng cao sức đề kháng. Việt Nam có nguồn dược liệu phong phù làm nguyên liệu để sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Ông Phong nhấn mạnh thực phẩm chức năng là sản phẩm mới không những ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Là sản phẩm giao thoa giữa thuốc và thực phẩm, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vì lợi nhuận nên cố tình đưa ra thị trường những sản phẩm không như đăng ký với cơ quan quản lý, quảng cáo sai sự thật… dẫn đến tình trạng người tiêu dùng hoài nghi về công dựng thực phẩm chức năng.
Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15, theo đó tất cả cơ sở sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu đều phải sản xuất ở nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP. Đây là quy định rất chặt chẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm từ ngay nhà máy. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để dần quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dùng thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc. Thuốc được chỉ định của bác sĩ, phải sử dụng đúng liều, đúng phác đồ, đúng liều lượng. Còn thực phẩm chỉ nhằm nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng để hỗ trợ trong việc điều trị bệnh.
Đối với trường hợp phòng ngừa, nên sử dụng thực phẩm chức năng với liều lượng nhỏ và duy trì lâu dài để ngăn ngừa bệnh tật và phòng tránh một số bệnh. Đối với các bệnh mãn tính không lây, người bệnh nên sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên để hỗ trợ trong quá trình điều trị.