Lý Khắc Cường: Con đường tới đỉnh cao quyền lực
Leo lên một ngọn núi trơn đầy bùn, Lý Khắc Cường vừa thở dốc vừa nói: “Ở đây quá thưa thớt, ít đất đai. Người dân ở đây sẽ rất khó khăn khi gia tăng sản xuất”.
Đó là chuyến công tác ngày 29/12/2012 của ông Lý tới Enshi, một vùng núi non và nghèo khó toàn người Tujia ở tỉnh Hồ Bắc. Trong chuyến đi này, ông Lý còn đang giữ chức Phó thủ tướng và là một trong 7 ủy viên thường trực Bộ chính trị.
Ba tháng sau đó, tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc, chính trị gia 57 tuổi này được bầu là Thủ tướng Trung Quốc.
Lý Khắc Cường sinh ra tại Định Viễn, tỉnh An Huy, nơi ông trải qua tuổi thơ trong thời kỳ Cách mạng văn hóa đầy sóng gió. Ông được qui là “thanh niên trí thức” và bị gửi về nông thôn “cải tạo”. Năm 1977, khi Trung Quốc tổ chức trở lại các cuộc thi vào đại học, ông Lý đã vượt qua nhiều đối thủ để được nhận vào học tại trường Đại học Bắc Kinh danh tiếng.
Trên con đường sự nghiệp của mình, ông Lý đã đi từ tầng lớp dân thường lên tầng lớp cao nhất, từ giám đốc sở nông nghiệp tỉnh Hà Nam cho tới giám đốc sở công nghiệp tỉnh Liêu Ninh và cuối cùng là vị trí lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc. Con đường thăng tiến cùng các chính sách của ông Lý ở những tỉnh trên sẽ đưa ra những gợi ý cho con đường đi của kinh tế Trung Quốc trong những năm tới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm một trang trại ở Changshu, tỉnh Giang Tô ngày 28/3. |
Những hạt nhân của sự thịnh vượng
Khi Cơ quan tổ chức trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định cử ông Lý tới Hà Nam và sau đó là Liêu Ninh để giữ chức Bí thư, trong cả 2 bức thư đề cử, cơ quan này đều dành lời khen tặng ông Lý là người “có lối tư duy rõ ràng và nắm bắt tốt các vấn đề then chốt”.
Ngày 14/7/1998, ông Lý được đề cử chức Phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Hà Nam và ngày 7/2/1999 ông trở thành Chủ tịch tỉnh. Ở tuổi 43, ông Lý là chủ tịch tỉnh trẻ nhất Trung Quốc vào thời kỳ đó. Đây là “chặng dừng chân” đầu tiên của ông trước khi tiến tới chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, kinh tế Trung Quốc đang ở mức tăng trưởng rất thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Nam giảm từ 14% xuống còn 8,8%. Năm 1998, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nam chỉ ở mức 4.976 nhân dân tệ (817 USD), mức gần như thấp nhất so với các tỉnh khác của Trung Quốc. Nhiệm vụ khẩn cấp nhất mà ông Lý cần thực hiện khi đó là tìm ra động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hà Nam.
Tỉnh Hà Nam có nhiều lợi thế. Năm 1997, lần đầu tiên sản lượng ngũ cốc của tỉnh này vượt qua sản lượng của tỉnh Sơn Đông, và trở thành tỉnh có sản lượng ngũ cốc cao nhất Trung Quốc. Điều đó cho thấy, sản lượng nông nghiệp gia tăng không phải là động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh này. Trong vài tháng đầu tiên lãnh đạo Hà Nam, ông Lý đã thăm quan nhiều làng và doanh nghiệp. Cuối cùng, ông phát hiện ra mấu chốt của vấn đề nằm ở việc “Nông sản của Hà Nam có chất lượng thấp và gần như giống nhau hoàn toàn”.
Ông Lý phát hiện ra rằng lợi nhuận từ ngũ cốc chưa chế biến là rất thấp và con đường duy nhất để tăng lợi nhuận là phải tạo ra các sản phẩn được chế biến nhiều hơn và có giá trị gia tăng cao hơn.
Bột mì có hàm lượng gluten thấp hoặc cao và chất lượng tốt là nguyên liệu cơ bản để chế biến các thực phẩm như bánh mỳ, bánh ngọt và bánh quy. Nhưng vào thời điểm đó, hầu hết bột mỳ của Hà Nam đều có hàm lượng gluten trung bình nên chỉ phù hợp để chế biến thành mì sợi và bánh bao. Ông Lý đã tổ chức các hoạt động nghiên cứu nhằm thúc đẩy việc trồng ngũ cốc chất lượng cao. Sau đó, Hà Nam có được hàng chục sản phẩm lúa mì được chế biến tốt và có giá trị gia tăng cao hơn.
Hiện Hà Nam đang là tỉnh đứng đầu Trung Quốc về chế biến ngũ cốc và thịt; đồng thời có số thương hiệu thực phẩm nhiều hơn bất kỳ tỉnh nào của Trung Quốc.
Đây chỉ là một phần chiến lược của ông Lý đối với tỉnh miền trung Trung Quốc này. Trong một bài phát biểu tại Hội thảo kinh tế tỉnh Hà Nam vào tháng 12/2012, lần đầu tiên ông Lý trình bày về chủ đề “thúc đẩy qua trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp”.
Vào thời điểm đó, dư luận tỉnh Hà Nam vẫn chưa nhất trí về vấn đề này, thậm chí còn có các cuộc tranh cãi “nảy lửa”. Nhiều chuyên gia, học giả và các quan chức lập luận rằng do Hà Nam là tỉnh chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên nếu không hiện đại hóa nông nghiệp, tỉnh này sẽ không thể nào vươn lên được.
Nhưng ông Lý đã có quyết định của riêng mình. Ông tự mình tổ chức ra các hội nghị chuyên đề tại đó ông cho rằng nếu muốn có những người nông dân giàu có, thì cần phải giảm số lượng nông dân. Ông Lý cũng thúc đẩy chuyên môn hóa, công nghiệp hóa và tập trung hóa nông nghiệp và ông giải thích rằng để đạt được các mục tiêu đó, con đường duy nhất là đô thị hóa nông thôn sâu hơn nữa.
Vào tháng 7/2003, tỉnh ủy Hà Nam thông qua bản hướng dẫn thông báo con đường căn bản để Hà Nam có thể xây dựng một xã hội giàu có là thúc đẩy công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp.
Chính sách của ông Lý đã đem lại kết quả. Năm 2004, thu nhập theo đầu người của nông dân trong tỉnh đạt mức 2.553 nhân dân tệ, tăng 14,2% so với năm trước đó. Đó cũng là lần đầu tiên sau năm, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Đó cũng là lần đầu tiên thu nhập của người dân vùng nông thôn ở tỉnh Hà Nam tăng nhanh hơn thu nhập của người dân ở các đô thị.
Thủ tướng Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc hiện đại hóa nông nghiệp trong chuyến công tác tại khu vực đồng bằng sông Dương Tử. |
“Đại tu” các doanh nghiệp nhà nước
Tháng 12/2004, ông Lý được chuyển sang tỉnh Liêu Ninh để giữ vị trí bí thư. Vào thời điểm đó, chiến lược “tái sinh vùng đông bắc” mới được chính quyền trung ương Trung Quốc thực thi được 4 tháng. Nhiệm vụ chính của ông Lý lúc này là tận dụng các cơ hội từ chính sách mới của chính quyền trung ương để phục vụ cho Liêu Ninh, một tỉnh có truyền thống về công nghiệp nặng.
Bắt đầu vào những năm 1990, Liêu Ninh, trước đây từng là pháo đài của nền kinh tế kế hoạch hóa đã rơi vào vũng lầy. Các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ và hàng trăm nghìn công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Ông Lý đề ra kế hoạch cải tạo các doanh nghiệp nhà nước nhằm phát triển nền kinh tế sở hữu hỗn hợp với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân. Trong vòng 2 năm, ông đã tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn và hoàn thành công cuộc cải cách về quyền sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước cỡ nhỏ và vừa.
Ông Lý đề xuất rằng: “Ngoài các công ty than lớn phải do Nhà nước sở hữu còn các công ty nhà nước ở địa phương thuộc mọi ngành công nghiệp khác phải bỏ chế độ sở hữu nhà nước, để thị trường quyết định và dựa theo những yêu cầu về tăng trưởng”.
Vào cuối năm 2007, Văn phòng khôi phục tỉnh Liêu Ninh công bố bản nghiên cứu cho thấy 29 trong số 40 doanh nghiệp công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước của tình này đã hoàn thành cổ phần hóa.
Kết hợp chính sách địa phương với chiến lược trung ương
Trong sự nghiệp của ông Lý, ông cho thấy khả năng nhanh chóng xác định chiến lược phát triển cho địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chung của cả quốc gia.
Năm 1999, chính quyền trung ương bắt đầu chủ trương phát triển các khu vực phía tây. Khi đó, ông Lý đề ra chiến lược cho Hà Nam là “rút khỏi phía đông, hướng về phía tây”.
Điều đó có nghĩa là phải thu hút công nghiệp, công nghệ, vốn, nhân lực, các dự án, kinh nghiệm quản lý và cơ chế từ các tỉnh phía đông, đồng thời tham gia vào chiến dịch phát triển vùng phía tây, củng cố hợp tác kinh tế và công nghệ với các tỉnh phía tây.
Năng lực kinh tế tổng thể của Hà Nam đã tăng lên đáng kể. Từ năm 1997 tới năm 2002, GDP của tỉnh này tăng từ 407,9 tỷ (66 tỷ USD) tới 616,3 tỷ nhân dân tệ (101 tỷ USD), với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức 8,9%, cao hơn, tăng lên 1,3% so với mức trung bình của cùng giai đoạn.
Tháng 3/2003, trong cuộc phỏng vấn tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc ông Lý đưa ra ý tưởng về “sự trỗi dậy của khu vực đồng bằng miền Trung”.
Ông Lý chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc khi đó đang dịch chuyển từ phía đông sang phía tây và các ngành công nghiệp xuất khẩu đang dịch chuyển từ các tỉnh đông bắc sát bờ biển vào sâu trong nội địa. Vì thế, Hà Nam, tỉnh nằm ở miền trung Trung Quốc, nên tận dụng cơ hội này.
Ông Lý cho rằng Hà Nam nên có 3 biện pháp để tận dụng xu thế trỗi dậy của đồng bằng miền trung Trung Quốc.
Trước tiên, mức độ phát triển kinh tế của Hà Nam nên đạt mức độ trung bình của quốc gia trong vòng gần 20 năm.
Thứ hai, toàn bộ nền kinh tế nên được công nghiệp hóa, điều đó có nghĩa đến năm 2020, lao động phi nông nghiệp nên chiếm ít nhất 60% lực lượng lao động, và dân số khu vực đô thị nên chiếm ít nhất 50% tổng dân số.
Thứ ba, Hà Nam nên dẫn đầu về các chỉ số kinh tế so với các tỉnh miền trung và miền tây khác.
Ý tưởng của ông đã được chính quyền trung ương Trung Quốc ghi nhận. Vào tháng 3/2004, Thủ tướng Trung Quốc khi đó, ông Ôn Gia Bảo, đã đề xuất ý tưởng chiến lược quan trọng là “thúc đẩy phát triển các khu vực miền trung”.