Lý do ông Poroshenko tuyên bố ‘quyết chiến’ với Dòng chảy phương Bắc 2 là gì?
"Chúng tôi sẽ không dừng cuộc đấu tranh để ngăn cản việc xây dựng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 bằng cách cho phép các công ty Đức tham gia quản lý hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine", Tổng thống Poroshenko cho biết.
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Theo ông, hiện tại Ukraine và Đức đang thấy những cơ chế khác nhau trong việc bảo vệ lợi ích của Ukraine.
“Đức muốn bảo đảm duy trì khối lượng khí đốt nhất định thông qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine Trong khi đó, chúng tôi muốn chấm dứt việc xây dựng đường ống dẫn khí dòng chảy phương Bắc 2”, Tổng thống Ukraine nói thêm.
Ông giải thích rằng Ukraine nhìn thấy ở đó “mối đe dọa địa chính trị” với đất nước này.
Trước đó, ông Poroshenko cho biết, sau khi hoàn thành việc xây dựng dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, Nga có thể tấn công tàu của các nước trên vùng biển Baltic. Chính phủ Ukraine lưu ý rằng đường ống này là hình thức chiến tranh trá hình.
Thủ tướng Đức Merkel, Tổng thống Ukraine Poroshenko |
Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa Kiev và Berlin sẽ vượt qua sự bất đồng trong lập trường liên quan đến dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng Berlin sẽ không thay đổi quan điểm của mình đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng 5 công ty châu Âu. Lâu nay, Mỹ cực lực phản đối dự án này. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng tuyên bố, người đồng cấp Donald Trump đang theo đuổi lợi ích của doanh nghiệp Mỹ trong việc cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho châu Âu.
Dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ đi qua các vùng lãnh thổ và đặc quyền kinh tế của các quốc gia nằm ngoài khơi bờ biển Baltic - Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Nhiều quốc gia đã phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, cũng như nếu giảm khối lượng khí trung chuyển qua hệ thống vận chuyển khí đốt Ukraine (GTS) có thể dẫn đến hậu quả một số lượng lớn người tiêu dùng Ukraine không có khí đốt, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Âu đầy tham vọng.
Ba Lan và các nước khác trong khu vực, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, đã phản đối mạnh mẽ dự án. Theo lập luận của các nước này, dự án của Đức và Nga đi ngược lại với chính sách của châu Âu trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như đem lại "những tổn thất nghiêm trọng về địa chính trị cho châu Âu".
Ngoài ra, bà Angela Merkel tuyên bố, Đức, Pháp và Ukraine ủng hộ việc tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở khu vực Đông Nam Ukraine (Donbass), đồng thời hoan nghênh sự tham gia của Nga trong tiến trình hòa bình này.
Cũng trong buổi họp báo, Tổng thống Poroshenko tuyên bố một lệnh ngừng bắn nhân dịp Lễ phục sinh sẽ bắt đầu ở Donbass vào ngày 18/4 tới, đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ đảm bảo tuân thủ các điều kiện của lệnh ngừng bắn này.
Dự kiến, Nhóm Tiếp xúc ba bên gồm đại diện của Nga, Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ tiến hành hội nghị qua truyền hình để thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn mới ở miền Đông Nam Ukraine vào ngày 18/4 tới.