Lý do NATO kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Bán đảo Crimea
Các quân nhân tại lễ diễu binh mừng Ngày Chiến thắng ở Sevastopol |
Lời kêu gọi trên được ông Stuart Peach, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đưa ra. Ông nhấn mạnh Liên minh quân sự này không công nhận Bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga, và kêu gọi Moscow ngay lập tức rút quân đội khỏi bán đảo này.
Ông Peach nói: “Liên minh quân sự (NATO) không và sẽ không đồng ý với việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea bất hợp pháp". Ngoài ra, ông Peach kêu gọi Nga thả các thủy thủ Ukraine đang bị giam giữ sau sự cố ở Eo biển Kerch hồi cuối năm 2018.
Ngày 25/11 năm ngoái, Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine cùng 22 thủy thủ đoàn và 2 sỹ quan tại khu vực Biển Đen gần Eo biển Kerch với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải.
Sau sự vụ này quan hệ Nga – Ukraine rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Tổng thống Ukraine khi đó là ông Poroshenko tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Ngoài ra, Ukraine còn ra lệnh cấm các công dân (đàn ông) Nga từ 16-60 tuổi nhập cảnh Ukraine
Bán đảo Crimea sáp nhập Nga năm 2014 |
Bán đảo Crimea trở thành một phần của Nga sau cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 3/2014, trong đó 96,77% cử tri của nước cộng hòa và 95,6% cư dân của Sevastopol đã bỏ phiếu ủng hộ sáp nhập vào Nga. Ngày 21/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật phê chuẩn về việc Crimea và Sevastopol gia nhập thành phần nước Nga, cũng như việc lập khu vực liên bang Crimea.
Việc Nga sáp nhập Bán đảo Crimea tuy nhận được sự ủng hộ và tán thành của người dân Nga cũng như người dân tại bán đảo, song lại bị Mỹ và EU ra sức phản đối, họ liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến việc sáp nhập nói trên.
Kiev và một số nước phương Tây cho rằng đây là sự vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố khu vực này vẫn thuộc về Ukraine, nhưng chỉ là phần lãnh thổ tạm thời bị chiếm đóng. Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Liên bang Nga không hề trái với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Các nhà chức trách Nga, trong đó có Tổng thống Vladimir Putin, đã nhiều lần tuyên bố dứt khoát khép lại các vấn đề về việc sáp nhập Bán đảo Crimea.