Lý do Mỹ kêu gọi EU "thỏa thuận" với NATO việc thành lập quân đội châu Âu?
Lý do Mỹ kêu gọi EU "thỏa thuận" với NATO việc thành lập quân đội châu Âu? |
Tuyên bố trên được đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sundland đưa ra khi phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu.
"Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với chúng tôi. Chúng tôi thường xuyên thuyết phục các cử tri của Hoa Kỳ về lý do tại sao Washington hàng năm gửi hàng chục tỷ USD đến châu Âu để bảo vệ liên minh này khỏi “mối đe dọa Nga” và các lực lượng không thân thiện khác, mặc dù số tiền này có thể được chi cho nhu cầu nội địa của Hoa Kỳ", nhà ngoại giao Mỹ nói trong buổi điều trần tại Ủy ban đối ngoại.
Theo ông Gordon Sundland, tình hình ngày càng trở nên phức tạp hơn vì Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định khối này có thể chống lại những nguy cơ trên bằng các lực lượng vũ trang của mình. Điều này đang phá hoại Khối Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nhà ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chúng tôi hy vọng EU chỉ muốn tuyên bố thành lập quân đội chung châu Âu ở mức độ nhất định để đảm bảo khả năng tự chủ trong vấn đề quốc phòng, điều này sẽ được thực hiện theo thỏa thuận đầy đủ với NATO với tư cách bổ sung chứ không phải thay thế tổ chức NATO".
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục chỉ trích người đứng đầu Điện Elysee về kế hoạch thành lập một quân đội châu Âu, một đề xuất Washington lo ngại rằng có thể phủ bóng lên NATO.
Tổng thống Pháp Macron |
Trước đó, Tổng thống Pháp Macron đã đề xuất thành lập một “quân đội châu Âu” độc lập với Hoa Kỳ, bao gồm cả an ninh mạng. Tổng thống Pháp nhấn mạnh, hiện nay châu Âu đang phải đối mặt với nhiều nỗ lực can thiệp vào các quy trình dân chủ nội bộ và không gian mạng nội bộ.
Tổng thống Macron cho rằng việc thành lập một lực lượng quân sự chung của châu Âu sẽ giúp EU giảm bớt phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ. Ông nhấn mạnh EU sẽ không thể tự bảo vệ trừ khi khối này quyết định có một "quân đội châu Âu thực sự".
Ngoài ra, ông lưu ý rằng Liên minh châu Âu (EU) phải bảo vệ chính mình khỏi các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Hoa Kỳ.
Ý tưởng này được Thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ. Thủ tướng Merkel đã đưa ra lời kêu gọi rõ ràng về việc thành lập một quân đội châu Âu trong tương lai theo đề xuất của Tổng thống Macron.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ank Bijleveld cho biết Chính phủ nước này phản đối kế hoạch thành lập quân đội châu Âu.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ank Bijleveld cho rằng "tầm nhìn" của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thành lập quân đội châu Âu là "xa vời với thực tiễn". Do đó, không chỉ riêng Chính phủ Hà Lan mà còn có nhiều quốc gia khác cũng sẽ lên tiếng phản đối lời kêu gọi này.
Bà Ank Bijleveld cũng nhấn mạnh Hà Lan sẽ vẫn chịu trách nhiệm cho việc triển khai quân đội của mình và nếu cần thiết, quân đội Hà Lan có thể hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU), song không phụ thuộc vào những tổ chức này.