Lý do Mỹ gây sức ép buộc châu Âu phải dừng dự án Dòng chảy phương Bắc - 2
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (Trái) |
Trên một bài viết mới đây, tờ Berlingske của Đan Mạch tiết lộ, trong chuyến đi châu Âu lần này Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tích cực cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu không cho phép Nga thực hiện dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream - 2).
Bài báo cho biết, ông Tillerson cho rằng, đã đến lúc phương Tây nên nhận ra rằng "Nga là một mối đe dọa thực tế" và họ sử dụng các nguồn năng lượng như một công cụ của "trò chơi chính trị".
Tuần này tại châu Âu, Ngoại trưởng Rex Tillerson tổ chức một số cuộc họp bàn về các vấn đề chính sách an ninh. Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ - là gây áp lực lên các nhà lãnh đạo châu Âu để "cảnh báo cho họ" và buộc họ phải dừng dự án xây dựng các đường ống dẫn khí đốt của Nga Nord Stream - 2, vốn đang được lên kế hoạch đi qua lãnh hải của Đan Mạch.
Bài viết có đoạn nhấn mạnh, rằng toàn bộ châu Âu, trong đó có Đan Mạch, sẽ thực sự sai lầm nếu như không quan tâm đến ngăn chặn dự án Nord Stream - 2: "Nga với sự “xâm lăng” của họ tại Ukraine đã chứng minh rõ ràng rằng họ xem các nguồn tài nguyên năng lượng là công cụ chính trị của mình, bằng cách chỉ việc vặn van khí, rồi sau đó tăng giá".
Trước chuyến thăm châu Âu, trong bài phát biểu của mình tại Washington, ông Tillerson giải thích cho đại sứ của các nước châu Âu về mối đe dọa: "Cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy năng lượng có thể được sử dụng như một vũ khí chính trị như thế nào. Tăng cường an ninh năng lượng ở châu Âu thông qua tiếp cận bền vững các nguồn năng lượng với giá cả phải chăng, đáng tin cậy, an toàn và đa dạng – chính là cơ sở an ninh châu Âu" – tờ Berlingske trích dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ.
Cũng trong bài phát biểu, ông Tillerson lưu ý, rằng Nga đang sử dụng "phương pháp độc hại" đối với Hoa Kỳ và Châu Âu để chia rẽ họ, mà trong đó Nga cũng sử dụng "năng lượng như một quân bài chính trị", cũng như đã làm với Ukraine. Để khẳng định mức độ nghiêm trọng của sự việc, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn chứng rằng nước Nga của ông Putin vẫn tiếp tục "hành vi hung hăng đối với các nước láng giềng trong khu vực", do đó các đồng minh châu Âu của Mỹ nên kịp thời nhận ra rằng "sức mạnh mà Nga đạt được là một mối đe dọa thực tế".
Ngoại trưởng Mỹ cũng đưa ra bình luận về các sáng kiến quy mô lớn của Nga trong lĩnh vực xây dựng đường ống dẫn khí, như Nord Stream - 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - được xây dựng để dẫn khí từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Tillerson cảnh báo các đồng minh châu Âu: "Chúng tôi coi việc hợp tác phát triển các dự án như Nord Stream - 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là không khôn ngoan, bởi vì chúng có thể làm tăng cường sự thống trị thị trường của một nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu".
Mỹ đang gia tăng áp lực buộc châu Âu dừng dự án Dòng chảy phương Bắc 2 |
Berlingske cho biết, Đức vẫn là nước "ủng hộ trung thành" việc xây dựng Nord Stream - 2 tại EU, trong khi Ba Lan lại mạnh mẽ phản đối. Bài báo lưu ý, Ủy ban châu Âu cũng đã "thể hiện rõ ràng" những nỗ lực để ngăn chặn Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cùng lúc sở hữu các đường ống dẫn khí và cung cấp nhiên liệu, bởi vì trong trường hợp này nguồn khí đốt được cung cấp qua đường ống của Nga sẽ trở thành một phần rất quan trọng của toàn bộ dự trữ châu Âu.
Tác giả bài báo khẳng định, Mỹ cũng có những lợi ích kinh tế riêng trong vấn đề này. Trong bài phát biểu của mình tuần trước, ông Tillerson tuyên bố, rằng Hoa Kỳ sẽ sớm "tự do hóa" các quy định xuất khẩu khí đốt tự nhiên, và sẽ sẵn sàng bán nó cho châu Âu. Washington "với sự hài lòng" đã lưu ý, rằng gần đây Quốc hội Đan Mạch đã phê chuẩn một đạo luật cho phép chính phủ ngăn chặn việc lắp đặt đường ống Nord Stream - 2 "vì lý do quốc phòng, và chính sách bảo mật" trong lãnh hải của mình.
Được biết trước đây, Đan Mạch chỉ có thể đề cập đến các lý do về môi trường. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch đã không thực sự giải thích, xem họ có ý định áp dụng luật mới vào thực tế hay không - mặc dù tất cả các bên trong quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ nó, tờ Berlingske viết.
Liên quan đến việc Gazprom dự định cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga sang Đức và đã đưa ra dự án North Stream - 2, họ đã xin phép chính quyền Đan Mạch cho xây dựng một đường ống dẫn song song với Nord Stream - 1 được xây dựng trước đó. Phần đường ống với chiều dài 140 km đi qua vùng lãnh hải Đan Mạch từ đảo Bornholm tới phía Nam. Đức vẫn là "nước ủng hộ chính" trong việc đưa đường ống dẫn khí đốt mới của Nga vào phần còn lại của EU.
Tuy nhiên, từ lâu Mỹ đã cảnh báo châu Âu về sự nguy hiểm khi tăng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, mà theo các chuyên gia, nó sẽ "lung lạc" chính sách an ninh châu Âu. Đó là lý do tại sao ông Rex Tillerson nêu vấn đề này trong chuyến đi châu Âu, ngay trong khuôn khổ chuyến đi Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO và các cuộc hội đàm với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cũng như với Đại diện EU về vấn đề ngoại giao Federica Mogherini và các ngoại trưởng của 28 nước thành viên EU. Rời Brussels, ông sẽ đi đến Vienna và Paris để thảo luận về vấn đề an ninh tại hội nghị OSCE và tại các cuộc họp với các chính trị gia cao cấp của Pháp.