Luật Quy hoạch triệt tiêu cục bộ, lợi ích nhóm: Phải sửa 32 luật liên quan
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên thảo luận cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều 17/3.
Vì Luật Quy hoạch, phải sửa đổi, bổ sung 32 luật liên quan
Cho ý kiến về dự án Luật này, Chủ nhiệm nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi về tính khả thi khi sửa đổi, bổ sung 32 luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp với Luật Quy hoạch. Bà Nga cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, liệu khi sửa đổi, bổ sung 32 luật này có phá vỡ tính hệ thống của pháp luật nước ta?.
Chủ nhiệm nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, 32 luật như Luật hàng hải, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật giao thông đường bộ, Luật công nghệ thông tin, Luật hóa chất, Luật năng lực nguyên tử, Luật đa dạng sinh học, Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, Luật người cao tuổi, Luật khám bệnh, chữa bệnh, Luật viễn thông..v.v... nếu có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 thì thông thường từ khi thông qua đến khi có hiệu lực thường xác định là 6 tháng, nghĩa là đến tháng 6/2018 sẽ phải thông qua các luật này, như vậy liệu có làm được không? Nếu sang tháng 6/2018 lại sửa một luật nào đó mà nó lại đụng đến những vấn đề chung trong các luật này thì có sửa lại lần nữa không?.
Mặt khác, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng đặt câu hỏi về sự đồng thuận thực chất trong các bộ hiện nay như thế nào và tính khả thi của luật này?.
Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cũng lưu ý, việc Chính phủ vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất khi trình Dự án Luật thì chỉ có hai cách giải quyết, một là đề nghị Chính phủ rút luật về, thảo luận thật kỹ, thống nhất cao thì trình. Hai là thực hiện theo đúng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số.
Giải trình một số nội dung, vấn đề còn vướng mắc trong Dự án Luật Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc xây dựng, ban hành Luật Quy hoạch là một thay đổi lớn, là một cuộc cách mạng, góp phần giải quyết được tất cả những bất cập của đất nước từ trước đến nay. Đồng thời giúp tiệm cận đến thông lệ quốc tế, tạo ra tư duy, cách làm mới, hiện đại và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, khai thác được hết tất cả tiềm năng, lợi thế và triệt tiêu được tất cả những chồng chéo, cục bộ, lợi ích nhóm, lợi ích của các bộ, các ngành, các địa phương đang bị cát cứ, chia rẽ. “Nên khi có sự thay đổi lớn như vậy thì có những nhận thức có thể đang còn khác nhau, hoặc chưa đồng thuận với nhau là chuyện bình thường”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Luật không thể lùi
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, “luật này không thể lùi và không nên lùi, cả xã hội hiện nay đang rất quan tâm và rất đồng tình, chỉ còn ở đâu đó 1-2 cơ quan, ở đâu đó 1-2 con người mà thôi, chúng ta không nên vì chuyện đó để chúng ta bàn lùi mà chúng ta phải bảo vệ cho sự phát triển của đất nước”.
Đối với tính khả thi của việc sửa đổi 32 Luật kèm theo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Bộ đã hệ thống tất cả các luật, theo đó có 5 luật sửa 1 điều, 3 luật sửa 2 điều, 4 luật sửa 3 điều, còn lại chỉ sửa chữ "quy hoạch".
“Nghe số lượng về luật phải sửa thì rất nhiều nhưng trên thực tế rất đơn giản là chỉ bỏ mỗi chữ "quy hoạch”. Chúng tôi đã rà soát và đã xây dựng một kế hoạch, chương trình sửa luật của Chính phủ và đã khẳng định chúng ta làm được vì không phải sửa ghê gớm mà vì nó có chữ quy hoạch thì ta phải sửa bỏ đi. Hoặc quy hoạch sản phẩm, trước đây phải có, bây giờ ta bỏ thì bây giờ cũng phải bỏ nó đi. Chúng tôi đề nghị tất cả những vấn đề này hoàn toàn có thể khả thi và làm được”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, thứ nhất, do hiện nay còn có nhiều ý kiến rất khác nhau, ngay trong Chính phủ còn chưa thống nhất cao nên Ủy ban thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật để chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung, những vấn đề cần phải tiếp thu, giải trình và báo cáo ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới. Tuy nhiên, phải lựa chọn những vấn đề còn ý kiến lớn khác nhau; cần nêu rõ 2 luồng ý kiến, cả thuận và không thuận và dành một thời lượng hợp lý cho Dự án luật quan trọng này.
Thứ hai, Ủy ban thường vụ Quốc hội khẳng định đây là luật mang tính chất nguyên tắc, luật khung và luật đảm bảo để tính tích hợp, tính kết nối, khớp nối; đảm bảo sự phối hợp, thống nhất quản lý quy hoạch, tránh hạn chế trước đây của quy hoạch, đó là cát cứ, lợi ích, chồng lấn của các ngành, các địa phương, làm cho hiệu quả đầu tư phát triển không đảm bảo.
“Luật Quy hoạch là luật điều chỉnh về mặt nguyên tắc các loại quy hoạch, không nên loại trừ một loại quy hoạch nào. Do đó, đề nghị xem xét lại phạm vi cho rõ. Phải nêu rõ hệ thống quy hoạch gồm cái nào, cái nào phụ thuộc cái nào, cái nào có trước cái nào, cái nào quyết định cái nào, thẩm quyền đến đâu. Phải nghiên cứu để sửa ngay 32 luật và lưu ý trong việc sử dụng đúng thuật ngữ “quy hoạch không gian biển” thay vì “quy hoạch sử dụng biển”- Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nêu.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cũng cho biết, ngay sau cuộc họp của đại biểu Quốc hội chuyên trách thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ họp một phiên nữa để giải quyết vấn đề này để đảm bảo thận trọng, khách quan và toàn diện.