Luật Quy hoạch được kỳ vọng giúp giải quyết các vấn đề của kinh tế thị trường
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là đơn vị đầu mối thực hiện dự án Luật này. Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn tuy áp dụng riêng nhưng các nguyên tắc chung vẫn phải được đảm bảo.
Về vấn đề lập quy hoạch tổng thể quốc gia theo phương pháp tích hợp, đây là lần đầu tiên Việt Nam có khái niệm này. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết từ kinh nghiệm của các nước, không thể ngành nọ ngành kia tách rời nhau ra, việc “tích hợp” này nhằm tránh xung đột giữa các ngành.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta tổ chức lập phương pháp này nên sẽ rất khó trong khâu thực hiện. Do vậy cần đẩy mạnh ứng dụng KHCN để đảm bảo công khai minh bạch, chất lượng tốt nhất”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Về quy trình lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định không phải Bộ Kế hoạch Đầu tư nắm việc này, tất cả bộ ngành và các chuyên gia kể cả trong và ngoài nước cùng tham gia. Riêng về quy hoạch thủ đô, Bộ trưởng Dũng cho biết đã được quy định trong các điều khoản của Luật Thủ đô và được thực hiện theo quy hoạch đô thị. Tuy nhiên những vấn đề liên quan đến phát triển thủ đô cũng sẽ được xem xét.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. |
Về mối quan hệ trong các quy hoạch và xử lý các trường hợp khi có mâu thuẫn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thứ tự phụ thuộc lẫn nhau khi có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch sẽ xử lý theo hướng: Nếu các quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau, thì phải được điều chỉnh và thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia. Nếu quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch ngành quốc gia thì phải thực hiện và điều chỉnh theo quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tổng thể quốc gia. Nếu các quy hoạch vùng mâu thuẫn với nhau, hoặc quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh theo quy hoạch của cấp trên. Trường hợp quy hoạch tỉnh mâu thuẫn với quy hoạch vùng thì thực hiện theo hướng quy hoạch quốc gia.
Về vấn đề điều chỉnh quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu quy định không chặt chẽ, việc điều chỉnh quy hoạch sẽ tùy tiện.
“Lập quy hoạch đã khó nhưng tổ chức giữ được và thực hiện quy hoạch còn khó hơn. Cho nên chúng tôi thiết kế làm sao để đảm bảo nguyên tắc nhất định, không được tùy tiện trong quá trình lập quy hoạch”.
Nguyên tắc tuân thủ là các cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt có quyền điều chỉnh quy hoạch có thứ bậc thấp hơn mà không cần chờ quyết định từ cấp trên. Nếu quy hoạch sửa đổi của cấp dưới làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp trên thì phải xin ý kiến của cấp trên.
Giải thích cho việc vì sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại là cơ quan thành lập Hội đồng thẩm định đối với quy hoạch cấp tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Dự thảo ban đần dự định Chính phủ sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định quy hoạch, tuy nhiên Chính phủ yêu cầu khi quy hoạch cấp tỉnh có rất nhiều điều chỉnh, nếu trường hợp nào cũng đưa lên Chính phủ sẽ rất nhiều, nên Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ Kế hoạch Đầu tư giúp Chính phủ thành lập Hội đồng Thẩm định. Còn tất cả các quy hoạch, bộ nào, ngành nào, địa phương nào trước đây lập như thế nào thì hiện nay vẫn cứ thực hiện như thế, không có chuyện đưa về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chỉ là cơ quan quản lý nhà nước làm công tác quy hoạch và giúp Chính phủ trong việc thực hiện như thành lập Hội đồng Thẩm định”.
Về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khi quy hoạch phải phụ thuộc vào quy mô của các khu này. Nhưng chúng ta chưa rõ quy mô vì Quốc hội chưa xem xét đến việc này.
Liên quan đến ý kiến một số ĐBQH cho rằng Luật Quy hoạch sẽ đi ngược lại với nền kinh tế thị trường và mang hơi hướng “kinh tế kế hoạch”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật này sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến kinh tế thị trường. Bây giờ kinh tế thị trường sẽ quyết định nên chúng ta chỉ có thể làm công tác dự báo thị trường mà thôi.
Nếu được Quốc hội thông qua, Luật Quy hoạch sẽ có hiệu lực từ 01/01/2019.