Luật Hộ tịch: Chớ để mỗi Bộ nắm một tý!
![]() |
Bộ trưởng Hà Hùng Cường trao đổi với Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý bên hành lang QH (Ảnh VNN) |
Báo cáo UBTVQH sáng 24/4 về Luật Hộ tịch, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, hiện vẫn còn tồn tại 3 cấp có thẩm quyền đăng ký hộ tịch, dẫn đến chồng chéo giữa quản lý và đăng ký. Nhiều địa phương lại chỉ chú ý đến nhiệm vụ đăng ký mà ít quan tâm đến quản lý hộ tịch. Bên cạnh đó, những sai phạm trong đăng ký hộ tịch vẫn diễn ra… Bộ trưởng Tư pháp cho rằng việc ban hành Luật Hộ tịch là hết sức cần thiết.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, hiện mỗi cá nhân đang có đến 20 loại giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên các loại giấy tờ thông tin của cùng một người đôi khi lại không trùng nhau, gây khó khăn trong việc sử dụng.
Một vướng mắc hiện nay là vấn đề hộ tịch và hộ khẩu đều liên quan đến quản lý về mặt con người. Đề xuất xin ý kiến UBTVQH song Bộ Tư pháp cũng nêu quan điểm rằng, để đảm bảo ổn định trong việc quản lý, tránh xáo trộn, Chính phủ đề nghị không mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và vẫn giao cho hai Bộ (Tư Pháp, Công an) quản lý như hiện nay.
Trước thực trạng mỗi cá nhân đang có quá nhiều loại giấy tờ tùy thân, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đặt vấn đề: Liệu với việc ban hành Luật Hộ tịch sẽ giảm bao nhiêu giấy tờ cho người dân? Đề xuất việc thực hiện phải có lộ trình, song bà Phóng cũng đề nghị đến năm 2020 phải có được sự thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Bộ Công an trong việc quản lý hộ tịch.
Theo Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa, vướng mắc lớn hiện nay chính là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân. Bởi hiện nay đang có sự phân tán về quản lý giữa hộ tịch, căn cước và cư trú. Do vậy cần phải sớm thống nhất trong quản lý giữa các loại hình này.
UBTVQH cũng đề nghị việc quy định, sửa đổi làm sao để mỗi cá nhân chỉ cần duy nhất một loại thẻ thay vì quá nhiều loại giấy tờ tùy thân như hiện nay. Thẻ này sẽ quy định thời gian, ví dụ như đến 15 tuổi sẽ phải tích hợp ảnh để nhận dạng, 10 năm sau lại đổi ảnh cho chủ thẻ.
Một bất cập khác, theo đại biểu, Luật căn cước quy định theo hướng bỏ sổ hộ khẩu, nhưng Luật Hộ tịch lại có quy định này, như vậy là vô lý và thiếu thống nhất. Đại biểu đề nghị việc cấp số định danh cá nhân phải được quy định ở Luật Căn cước do Bộ Công an quản lý, còn Luật Hộ tịch chỉ dẫn về việc sử dụng.
Đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật Hộ tịch song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển phản ánh tình trạng thời gian qua, cử tri kêu nhiều về việc ban hành luật chưa quan tâm đến nguyện vọng của cử tri.
Ngoài ra, ông Hiển cũng cảnh báo, nếu không thực hiện cẩn thận còn dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước, rồi sinh ra chồng chéo, Bộ này nắm một tý, Bộ kia nắm một tý. Thực tế đó lại dẫn đến phình bộ máy, gây tốn kém kinh phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng cho rằng, luật cần làm rõ trình tự thủ tục thẩm quyền. Giấy khai sinh là xã thực hiện, còn số định danh cá nhân, quản lý dữ liệu là Công an. Tuy nhiên Luật hộ tịch lại không quy định rõ ràng và đang gây khó hiểu.