Loại thực phẩm được ví như rau, rất giàu đạm có thể thay thịt không?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), nấm là nguyên liệu giúp bổ sung vị ngọt cho bữa ăn, nấm có chứa một lượng nhỏ chất béo gồm các acid béo không no. Riêng nấm rơm lại có đến khoảng 3g lipid/100g nấm, giúp bổ sung thêm năng lượng cho cơ thể.
Không những thế, nấm tươi gồm rất nhiều chất dinh dưỡng từ khoáng chất, vi chất (kẽm, crom, germanium…) cho đến vitamin tan trong nước. Khi hấp thu vào cơ thể, các hợp chất này sẽ giúp tăng cường chuyển hóa, tăng sức đề kháng phòng ngừa bệnh thông thường cho đến những bệnh lý nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, mỡ máu… Nấu chín nấm giúp giải phóng những chất này.
Ngoài ra, nấm còn cung cấp chất xơ, tính theo trọng lượng, nhiều loài nấm có ít nhất 50% carbohydrate (một số trên 60 hoặc 70%), và mặc dù chúng ta nghĩ carbs là tinh bột hoặc không tốt cho sức khỏe, hầu hết carbs trong nấm thực ra là chất xơ.
Tế bào của nấm có tất cả các loại carbohydrate không tiêu hóa được, chúng ta gọi là chất xơ, và chất xơ đó cung cấp năng lượng cho các vi sinh vật lành mạnh trong ruột.
Sở hữu một hàm lượng chất xơ cao, nấm giúp trẻ duy trì cân nặng, không gây ra tình trạng béo phì.
Trước những tác dụng của nấm, trong khi nấm lại mềm, ngọt trẻ rất thích ăn nên nhiều bố mẹ lựa chọn món nấm cho bữa ăn hàng ngày. Thậm chí không ít bố mẹ cho con ăn nấm thay thịt, rau… nhất là ở những gia đình có con béo phì.
Việc làm này có căn cứ không?
Chia sẻ với PV Infonet, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, mọi người nói chung, đặc biệt là trẻ em, không nên ăn nấm thay ăn thịt.
“Ăn nấm chỉ 1 phần trong khẩu phần ăn còn vẫn cần phải ăn thịt”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho hay.
Lý giải điều này, chuyên gia cho rằng trẻ đang ở giai đoạn phát triển, tích lũy năng lượng, cần hấp thụ đầy đủ các loại dinh dưỡng với một lượng lớn, hơn cả người trưởng thành.
Đặc biệt với trẻ tiểu học, nếu không đảm bảo đủ chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày có thể làm gián đoạn sự hoàn thiện của não bộ và hệ thống dây thần kinh. Trong khi đó, nấm lại chứa rất ít năng lượng cùng chất béo, không thể đáp ứng toàn vẹn nhu cầu cơ thể mà trẻ cần. Vì thế, bố mẹ không nên cho trẻ ăn thay thịt bằng nấm.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khẳng định mặc dù nấm là loại thực phẩm dễ bảo quản, dễ chế biến, nhiều dinh dưỡng cho trẻ, thường được ví như loại rau giàu đạm, nhưng lại không thể so với các loại rau khác hay đạm động vật.
Ngược lại, trẻ 1-3 tuổi cần tối thiểu 28g-36g/ngày. Nếu tính khẩu phần trẻ ăn trung bình là 100g gạo, 500ml sữa, trẻ sẽ phải ăn 300-500g nấm để thay cho 100g thịt/ngày.
Quan trọng hơn, bên trong đạm thực vật lại không chứa cholesterol. Trẻ em không nên kiêng kị cholesterol. Đây là thành phần quan trọng trong quá trình hình thành màng tế bào, nội tiết tố, và giúp vận chuyển chất béo trong máu đến các mô trong cơ thể.
Đặc biệt, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cũng nhấn mạnh, nấm không thể thay rau. Vì các vitamin, các chất chống oxy hóa trong nấm chưa đủ như rau. Do đó, nếu trẻ thích ăn thì cũng chỉ nên thay thế một phần rau thôi và vẫn nên nếu thay thì ăn rau quả.
Bà cho rằng nên ăn đa dạng các loại rau quả, có nhiều màu sắc khi lựa chọn thực phẩm trong đó có nấm phải rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, nhìn bên ngoài những túi nấm sạch, ngon mắt tuy nhiên trước khi chế biến PGS. TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý, người tiêu dùng vẫn phải làm sạch. Theo đó nên ngâm nước muối, nước gạo cho sạch trước khi chế biến. Trong quá trình xào, nấu thì cũng nên xào kỹ, chín mềm để trẻ dễ ăn.
Chuyên gia dinh dưỡng cũng cho rằng thỉnh thoảng ăn nấm thay thịt, rau cũng tốt nhưng chỉ nên coi đó là việc đổi bữa chứ không phải thường xuyên. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm tránh để xảy ra ngộ độc.
N. Huyền