Lo sợ tên lửa Triều Tiên, Mỹ sẽ tấn công Bình Nhưỡng mà không hỏi Hàn Quốc?
Yonhap cho hay đây là nhận định của ông John Park, Giám đốc Nhóm công tác Triều Tiên tại Trường Chính sách công Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ) đưa ra trong một bài thuyết trình được Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc chủ trì hôm 27/2.
Ông Park cho rằng, “những sự kiện vào tháng Bảy năm ngoái cùng với 2 vụ thử ICBM và suy nghĩ Triều Tiên có thể đe dọa trực tiếp tới đất liền Mỹ, câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có chứng kiến hiện tượng Mỹ 'bỏ qua Hàn Quốc’ hay không?”
Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Nói cách khác, theo ông Park, vụ thử ICBM đầu tiên của Triều Tiên hồi tháng Bảy năm ngoái đã tác động tới liên minh Mỹ - Hàn khi sử dụng cụm từ “bỏ qua Hàn Quốc” với hàm ý Washington loại Seoul ra khỏi việc hoạch định chính sách trong vấn đề Triều Tiên.
Trong khi đó, ICBM được Bình Nhưỡng phóng thử nghiệm hồi tháng 11 năm ngoái được giới chuyên gia nhận định có tầm bắn vươn tới bất cứ khu vực nào trên lãnh thổ Mỹ.
“Một khi Triều Tiên trở thành mối đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Mỹ, Tổng thống Mỹ với cương vị Tổng tư lệnh quân đội có thể hành động trực tiếp và đưa ra phản ứng trước cái gọi là một cuộc tấn công cận kề của Triều Tiên. Trong trường hợp này, Mỹ có thể tấn công Triều Tiên ngay lập tức mà không cần tham vấn phía Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae-in”, ông Park nhấn mạnh.
Song theo ông Park, xuất phát từ mối quan hệ đồng minh, việc các nhà lãnh đạo Mỹ - Hàn tham vấn ý kiến là việc hai nước thường xuyên làm để giải quyết các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ông Park cũng cho rằng, Seoul và Washington đang bất đồng ý kiến về chính sách đối thoại với Triều Tiên. Và nếu hai bên không thể thống nhất quan điểm, quan hệ đồng minh hai nước sẽ bị chia rẽ chỉ vì chính sách hành động với Triều Tiên.
“Nếu như nhìn vào chính sách hòa hợp của Mỹ với Triều Tiên có thể thấy Mỹ chỉ đối thoại chừng nào Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân trong khi Hàn Quốc lại tập trung vào quá trình dẫn tới việc cải thiện quan hệ và giải trừ hạt nhân. Vào trong giai đoạn đầu, các cuộc đối thoại liên Triều sẽ tạo cơ hội và nền tảng cho các cuộc đàm phán sâu rộng hơn”, ông Park nói thêm.
“Nếu như Mỹ - Hàn không thể thống nhất quan điểm và chấp nhận đồng quan điểm, Seoul và Washington có thể đi khác hướng”, ông Park cảnh báo.
Dự báo về tình hình tháng Tư, ông Park cho rằng với việc Mỹ - Hàn nối lại các cuộc tập trận chung và chiến dịch gia tăng sức ép tối đa với Triều Tiên được tiếp tục thi hành, không khí yên bình trong giai đoạn diễn ra Thế vận hội mùa Đông PyeongChang sẽ nhanh chóng biến mất.