Lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên: Quả bom hẹn giờ với Trung Quốc
Tờ Want China Times cho biết theo ông Zhang, nhiều người Trung Quốc cho rằng chỉ có Mỹ mới "quan tâm" tới Bình Nhưỡng. Do đó, Bắc Kinh chỉ cần tham gia hỗ trợ đảm bảo nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà không cần chủ động tham gia vào tiến trình phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, giáo sư Zhang khẳng định với cương vị là một quốc gia láng giềng, Trung Quốc vô cùng quan ngại về hoạt động tại các cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên, vốn bị giới chuyên gia thế giới coi là "quả bom hẹn giờ".
Trung tâm Nghiên cứu Khoa học hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên. |
Trong cuộc hội thảo năm 2012, nhà khoa học hạt nhân người Mỹ Siegfried Hecker cho biết ông cảm thấy kinh ngạc về quy mô của các cơ sở hạt nhân mà ông tận mắt chứng kiến trong 2 chuyến thăm tới Trung tâm Nghiên cứu Khoa học hạt nhân Yongbyon ở Triều Tiên vào năm 2004 và 2010.
Song, công nghệ hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn rất sơ khai do bị thế giới cô lập. Do đó, hoạt động của các cơ sở hạt nhân tại quốc gia cô lập là vô cùng nguy hiểm, ông Hecker nhấn mạnh. Theo nhà khoa học Mỹ, khả năng xảy ra một thảm họa hạt nhân khủng khiếp tại Triều Tiên chỉ còn là vấn đề về thời gian.
Vào năm 2012, Triều Tiên đã bị xếp đứng ở vị trí cuối cùng trong bản báo cáo của Mỹ chuyên đánh giá về những biện pháp an toàn xử lý mối đe dọa hạt nhân tại các quốc gia sở hữu nguyên liệu hạt nhân. Chỉ một năm sau, một bản báo cáo khác của Tây Ban Nha đã đưa Triều Tiên vào danh mục một trong những nước sở hữu cơ sở hạt nhân thiếu an toàn nhất trên thế giới. Bởi toàn bộ hệ thống ống dẫn tại cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên đã bị hủy hoại nghiêm trọng hồi năm 2004.
Tiếp đó, vào tháng 4/2014, Tân Hoa Xã đã cho công bố một bản báo cáo bình luận về mức độ an toàn đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo Tân Hoa Xã, hình ảnh vệ tinh đã cho thấy rằng những cơn bão vào mùa hè cùng các trận lũ lụt đã làm gián đoạn hoạt động của hệ thống cung cấp nước làm mát trong lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon.
Thậm chí, trong diễn đàn an ninh hạt nhân được tổ chức tại Hague hồi tháng Ba năm ngoái, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye còn cho rằng chỉ cần một mồi lửa bùng cháy tại cơ sở Yongbyon, hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn cả thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986.
Một nhà trẻ tại thị trấn Pripyat của Ukraine bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân Chernobyl vào năm 1986. |
Giáo sư Zhang cũng nhận định tác động từ thảm họa hạt nhân tại Triều Tiên chắc chắn sẽ rất tồi tệ với Trung Quốc. Điển hình, khoảng 300.000 người đã phải đi sơ tán sau khi xảy ra thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản hồi tháng 3/2011 dưới tác động của sóng thần và động đất. Ngay cả sau 4 năm xảy ra thảm họa, các chất phóng xạ từ Fukushima vẫn tiếp tục rò rỉ ra bên ngoài môi trường biển xung quanh nhà máy, gây chết và nhiễm xạ cho hàng loạt sinh vật biển.
Còn sau gần 30 năm xảy ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy Chernobyl hồi năm 1986, thị trấn Pripyat của Ukraine vẫn là nơi hoang vu không một người sinh sống.
Trong khi đó, cơ sở hạt nhân Yongbyon lại nằm ngay trên vùng hay xảy ra động đất và chỉ cách thị trấn biên giới Changbai của Trung Quốc 75 km. Do đó, theo giáo sư Zhang, những cư dân sinh sống tại khu vực phía đông bắc Trung Quốc đặc biệt quan tâm tới những hậu quả nếu không may xảy ra thảm họa hạt nhân tại Triều Tiên.
Sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 hồi năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã ra thông báo về việc Bắc Kinh cho triển khai lắp đặt hàng chục trạm kiểm soát phóng xạ tại khu vực đông bắc nước này. Theo đó, hơn 150 trạm kiểm soát phóng xạ tự động đã được lắp đặt trên lãnh thổ Trung Quốc.
Cũng theo ông Zhang, rõ ràng, Triều Tiên đang tăng cường quy mô chương trình hạt nhân của nước này. Dựa theo dữ liệu từ Viện Các nguồn thiên nhiên và Khoa học địa lý của Đức, cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 3 của Triều Tiên đã phát ra nguồn năng lượng tương đương với 40.000 tấn thuốc nổ TNT. Sức nổ này lớn gấp 3 lần so với vụ thả bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945. Ngoài ra, sức mạnh của cuộc thử nghiệm thứ 3 còn tương đương với một trận động đất mạnh 5,2 độ richter so với mức 4,2 độ richter và 4,8 độ richter từ hai cuộc thử nghiệm trước đó.
Nguy hiểm hơn, các cuộc thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên còn có thể khiến ngọn núi lửa trên núi Changbai nằm giữa biên giới Trung – Triều, thức giấc. Trong 1.000 năm qua, ngọn núi lửa này mới phun trào 10 lần và trận gần nhất là vào năm 1903. Giới chuyên gia Hàn Quốc thì cho rằng núi lửa Changbai có thể tái phun trào khi một cuộc thử nghiệm hạt nhân tại Triều Tiên gây ra trận động đất mạnh 6 độ richter. Ngoài ra, 60% nguồn năng lượng hủy diệt từ vụ phun trào này sẽ đổ sang đất Trung Quốc.
Giới chuyên gia Hàn Quốc tham quan nhà máy hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên năm 2009. |
Theo tờ Want China Times, một mối nguy hiểm khác là các chất phóng xạ sẽ tràn sang lãnh thổ Trung Quốc nếu không may Mỹ tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Một bản báo cáo bí mật của chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton từng đánh giá mức độ ảnh hưởng từ cuộc tấn công như trên. Theo đó, các chất phóng xạ có thể bay xa từ 400 – 1.400 km, tràn sang lãnh thổ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tỷ lệ tử vong từ 80 – 100% nằm trong bán kính cách cơ sở Yongbyon từ 10 – 50 km. Và tỷ lệ sống sót chỉ là 20% đối với những cư dân sinh sống cách Yongbyon trong bán kính từ 30 – 80 km. Ngoài ra, sau 5 năm xảy ra thảm họa, những khu vực nằm cách Yongbyon 700 km vẫn bị ảnh hưởng từ các chất phóng xạ rò rỉ.
Theo ông Zhang, bản đánh giá này được đưa ra cách đây 20 năm khi cơ sở Yongbyon mới chỉ có 2 lò phản ứng đi vào hoạt động. Kể từ đó, Triều Tiên đã mở rộng quy mô của cơ sở hạt nhân và khả năng Yongbyon đã có cả kho lưu trữ bom hạt nhân.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Want China Times, trang web tin tức bằng tiếng Anh của Tập đoàn truyền thông China Times (Đài Loan). Want China Times được thành lập vào năm 2010, chuyên cung cấp các thông tin về cộng đồng quốc tế đặc biệt về Trung Quốc và Đài Loan.