Lộ lý do thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ kết tên lửa S-400 của Nga, "ngoảnh mặt" với Mỹ
Sputnik đưa tin, ông Erdogan cũng cho biết khoản tiền mà Thổ Nhĩ Kỳ trả cho Nga để mua các hệ thống phòng thủ S-400 vẫn sẽ được tiến hành như nội dung trong bản hợp đồng mà hai bên đã thống nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ cương quyết mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, "ngoảnh mặt" với Patriot của Mỹ. |
“Chúng tôi đã hoàn thành thương vụ mua bán S-400. Chúng tôi từng đề nghị Mỹ bán các hệ thống Patriot, nhưng Mỹ lại không thể đưa ra cho chúng một thỏa thuận mang tính hợp lý. Do đó, chúng tôi vẫn triển khai thương vụ mua S-400 và đang chờ đợi được nhận tổ hợp này vào tháng Bảy tới”, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bình luận về những nỗ lực của Mỹnhằm buộc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, Mỹ cũng đã tạo ra được những tác động về vấn đề này.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã lên tiếng cảnh báo trước “những quyết định mang tính hấp tấp” của Thổ Nhĩ Kỳ khi thỏa thuận mua bán hệ thống phòng không S-400 với Nga.
Theo ông Pence, Ankara phải “lựa chọn” nếu còn muốn là thành viên của NATO hoặc tiếp tục mua S-400 của Nga.
Lâu nay, Mỹ vẫn lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Theo Mỹ, hoạt động của S-400 không tương thích với mạng lưới phòng không của liên minh NATO. Ngoài ra, Mỹ lo ngại sự có mặt của S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm lộ những điểm yếu của tiêm kích F-35cho Nga.
Nhằm gia tăng sức ép và buộc Ankara phải thay đổi quan điểm, Washington từng áp đặt lệnh trừng phạt cấm bán các hệ thống phòng không Patriot cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết không từ bỏ thương vụ mua S-400 của Nga nên Mỹ tiếp tục đe dọa cho đóng băng chương trình cung cấp F-35 cho Ankara.
Đỉnh điểm hồi đầu tháng này, Ria Novosti dẫn hai nguồn thạo tin giấu tên cho biết Mỹ đã tạm dừng việc giao các lô hàng thiết bị liên quan đến máy bay tiêm kích tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo các nguồn tin trên, việc giao các lô hàng thiết bị cho huấn luyện và các lô hàng thiết bị tiếp theo liên quan đến máy bay tàng hình F-35 đều đã bị hủy bỏ. Đây được coi là bước đi cụ thể đầu tiên của Mỹ nhằm ngăn chặn việc chuyển giao máy bay chiến đấu F-35 cho Thổ Nhĩ kỳ khi xem xét đến kế hoạch của Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đe dọa áp đặt thêm lệnh trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ chiểu theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua lệnh trừng phạt (CAATSA) do Ankara mua các thiết bị quân sự của Nga.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ, Tổng thống Erdogan vẫn tái khẳng định cam kết thi hành thỏa thuận đã ký kết hồi tháng 12/2017 liên quan tới việc mua các hệ thống S-400 của Nga. Ông Erdogan đồng thời chỉ trích những hành động phi lý của Washington để buộc Ankara từ bỏ thương vụ này.
Ông Erdogan nhấn mạnh yêu cầu Mỹ cung cấp F-35 đúng hạn bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tiền để mua các chiến đấu cơ này cũng như đầu tư cho quá trình phát triển F-35.