Lo lắng trước thông tin hơn 54% mẫu thịt lợn, gà tại Hà Nội nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli
Thông tin có tới 54,54% lượt mẫu thịt lợn, thịt gà tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại hai tỉnh Hà Nội, Hà Nam bị ô nhiễm vi sinh vật (Salmonella, E.coli...) khiến các bà nội trợ hoang mang.
Hơn 54% mẫu thịt lợn, gà tại Hà Nội nhiễm khuẩn Salmonella, E.coli |
Cục Thú y (Bộ NN & PTNN) vừa thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2020 đơn vị đã kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 19 cơ sở giết mổ và 19 cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Nam, TP. HCM và Long An.
Tại các đợt kiểm tra, Cục Thú y lấy mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở nêu trên để kiểm tra các chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư kháng sinh.
Kết quả giám sát cho thấy, tỷ lệ mẫu thịt lợn, thịt gà tại các cơ sở giết mổ, kinh doanh không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu ô nhiễm vi sinh vật vẫn còn cao (26,31%).
Đặc biệt, tỷ lệ mẫu ô nhiễm vi sinh vật tại cơ sở giết mổ, kinh doanh tại Hà Nội, Hà Nam chiếm tỷ lệ rất cao (54,54%, tương ứng với 98 trong tổng số 180 lượt mẫu) không đạt yêu cầu đối với các chỉ tiêu kiểm tra (gồm vi sinh vật tổng số, Salmonella, E.coli).
So với kết quả giám sát thường kỳ năm 2019, tỷ lệ mẫu không đạt các chỉ tiêu vi sinh vật tăng 17,31% so với cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 chỉ 9% số mẫu thịt lợn, thịt gà không đạt yêu cầu đối với chỉ tiêu vi sinh vật).
Trước thông tin này, các bà nội trợ tỏ ra lo lắng. Chị Nguyễn Thu Trang (Cầu Diễn, Hà Nội) cho biết, thông tin này khiến chị lo ngại. Theo chị biết, hai vi khuẩn Salmonella, E.coli đều là những vi khuẩn có hại, rất dễ gây ra các bệnh tiêu hoá.
“Mùa hè đến, tình trạng ô nhiễm thực phẩm tăng cao…không biết có phải do tình trạng thực phẩm “bẩn” như này hay không? “, chị Trang băn khoăn.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà (Thành Công, Ba Đình, Hà Nội) thì mong muốn cơ quan chức năng cần công khai các cơ sở kinh doanh thịt lợn, thịt gà bị ô nhiễm vi sinh vật (Salmonella, E.coli...) để người dân tránh. Đồng thời phải có biện pháp xử lý dứt điểm…
GS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trực khuẩn Salmonella là nguyên nhân gây bệnh thương hàn, loại trực khuẩn này cũng là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đường tiêu hóa do thức ăn bị nhiễm khuẩn.
Vi khuẩn Salmonella có nhiều type và có sức đề kháng rất cao, cao thể sống hàng tháng ở ngoài môi trường. Vi khuẩn này có thể bị giết chết ở nhiệt độ 55 độ C trong vòng 30 phút. Nếu sử dụng cồn và các loại thuốc sát khuẩn khác cũng có thể tiêu diệt được vi khuẩn này trong thời gian từ 3 - 5 phút.
Người ăn thức ăn hay uống nước bị nhiễm khuẩn Salmonella sẽ xuất hiện các triệu chứng sau 12 - 72 giờ, có các biểu hiện như sốt cao, đau bụng, nôn và tiêu chảy. Đối với những người khỏe mạnh, bệnh sẽ chỉ có những biến chứng nhẹ, nhưng riêng với trẻ em dưới 5 tuổi, người già và những người có hệ miễn dịch yếu thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn như đi ngoài ra máu, mất nước, sốt cao...
Đối với khuẩn E.coli, các chuyên gia thực phẩm cho biết đây là một loài vi khuẩn Gram âm thường có mặt ở nguồn nước, thực phẩm. Vi khuẩn E. Coli là loại vi khuẩn ký sinh trùng trong đường ruột và gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vi khuẩn E. coli có thể lây nhiễm từ thực phẩm sang người với tỷ lệ khoảng 85%, tình trạng này được xem là bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn.
Ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn E. coli là một loại ngộ độc thực phẩm rất phổ biến ở con người. Nguyên nhân hàng đầu khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm do E. coli là việc ăn uống mất vệ sinh, không đảm bảo.
Khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn E.coli, sau thời gian ủ bệnh từ 2-20 giờ người bệnh sẽ bị ngộ độc. Người biểu hiện khi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn E.coli như: Đau bụng dữ dội; Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày; Ít khi nôn mửa; thân nhiệt có thể hơi sốt; trường hợp nặng bệnh nhân có thể sốt cao, người mỏi mệt, chân tay co quắp đổ mồ hôi;
Các chuyên gia cảnh báo, nếu thấy các triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
Để đề phòng nhiễm khuẩn Salmonella, E. coli mọi người cần đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm. Cần phải nấu chín thức ăn trước khi ăn. Tuyệt đối không ăn thịt, trứng gia cầm chưa nấu chín.
Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn, hãy để thịt sống, trái cây chưa rửa sạch cách xa các thực phẩm đã nấu chín. Chỉ mua và sử dụng các sản phẩm chế biến sẵn ở những nơi cung ứng đáng tin cậy, có điều kiện bảo quản tốt. Rửa tay thật sạch trước và sau khi xử lý, chế biến thực phẩm. Rửa trái cây, rau xanh dưới vòi nước chảy. Vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
N. Huyền