Lo học sinh đuối nước, dài cổ chờ “xóa mù" bơi
Lo học sinh đuối nước, dài cổ chờ “xóa mù" bơi
Các bể bơi trong nội thành TP.HCM nhộn nhịp ngày hè
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, bắt đầu từ năm học 2010 – 2011, chương trình phổ cập bơi lội học đường được triển khai từ cấp tiểu học đến THPT. Để hậu thuẫn cho chương trình này, Sở cũng đã ký kết liên tịch với Liên đoàn Thể thao dưới nước để cơ quan này có trách nhiệm hướng dẫn trung tâm thể thao của các quận, huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí, chuyên môn… Những tưởng chuyện "xóa mù" bơi là nằm trong tầm tay, tuy nhiên đến thời điểm này điều đó đã trở nên không tưởng khi trên địa bàn TP mới chỉ có 20/1.000 trường học có hồ bơi.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Văn Quang, chuyên viên môn giáo dục thể chất của Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, bơi lội là môn thể thao được đưa vào hệ thống thi đấu Hội khỏe Phù Đổng nhưng việc tổ chức dạy bơi ban đầu vẫn còn nhiều hạn chế. Do cơ sở vật chất còn khá nghèo nàn, đa số các trường đều không có hồ bơi, việc di chuyển đến các địa điểm bơi cũng gặp phải khó khăn về kinh phí, đó là chưa nói giáo viên phụ trách còn thiếu nên cứ dài cổ chờ.
Đơn cử như Q.Thủ Đức, nơi đi đầu trong việc “xóa mù bơi” cho học sinh, với 99% học sinh khối THCS và gần 80% học sinh ở khối tiểu học lớp 3 và lớp 5 được phổ cập môn bợi lội, song Phòng Giáo dục Q.Thủ Đức luôn ở trong tình trạng khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, đặc biệt là kinh phí tổ chức đưa đón học sinh.
Thầy Bùi Ngọc Phi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Bình Thạnh) cũng cho hay, trường chưa thể thực hiện phổ cập bơi cho học sinh bởi trường không có hồ bơi, nếu di chuyển tới hồ bơi thì cũng gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, toàn trường chỉ có một giáo viên phụ trách môn thể dục nên cũng không thể sắp xếp cho các em đến hồ bơi được. Vì vậy, trường chỉ khuyến khích những gia đình nào có điều kiện thì nên cho trẻ đi học bơi.
Không thể ngồi chờ các trường triển khai chương trình phổ cập bơi cho học sinh, nhiều phụ huynh đã ráo riết tìm chỗ học bơi cho con em mình trong kỳ nghỉ hè này. Bởi trong thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các trường hợp trẻ tử vong do đuối nước khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Gần đây nhất là vào trung tuần tháng 5 tại Đồng Nai có 5 em học sinh tiểu học bị tử vong khi đi mót hạt điều. Phần lớn nguyên nhân là do các em thiếu hiểu biết về kỹ năng chống đuối nước.
Chị Nguyễn Thị Đào (Q.Gò Vấp) chia sẻ: “Nghe nói trường cháu đang học sẽ đưa bộ môn bơi lội vào dạy nhưng chờ mãi chẳng thấy đâu nên hè này, gia đình tôi đành tự tìm chỗ cho con học ở Nhà Văn hóa Lao động”.
Tương tự, anh Trần Văn Trung (Q.Thủ Đức) có con gái đang học lớp 8 nói: “Ở trường điều kiện vật chất không cho phép dạy bơi cho cháu nên gia đình phải tự tìm chỗ để cho cháu học bơi. Tuy nhiên, tìm hoa cả mắt mà không thấy chỗ nào thích hợp để con học bơi vì chỗ thì bể bơi sơ sài quá, chỗ thì học phí cao quá. Biết là vất vả nhưng tôi cũng phải cố tìm một chỗ cho con vì quan trọng là muốn cháu có kỹ năng cơ bản để đề phòng tai nạn không may xảy ra”.
Theo ghi nhận của PV, học phí các khóa học bơi cho trẻ ở mức nào cũng có. Giá bình dân có hồ bơi Kỳ Đồng (Q.3) tuyển sinh các khóa dành cho trẻ em với học phí khoảng 400.000 – 500.000/khóa/8 buổi, mở cửa từ 5 – 19h hàng ngày. Tương tự, tại hồ bơi Yết Kiêu (Q.1) cũng liên tục nhận được “đơn đặt hàng” của đông đảo phụ huynh học sinh nhờ kèm cặp con em mình, với số tiền học phí ngang ngửa ở hồ bơi Kỳ Đồng.
Tuy nhiên, đối với những bể bơi thuộc hàng VIP ở các khu dân cư mới như Phú Mỹ Hưng, khu Sài Gòn Pearl, khu Thảo Điền hay những khách sạn có sao, giá vé được tính bằng USD với mức 4 – 6 USD/lượt trẻ em.
Ông Lê Văn Quang, chuyên viên môn giáo dục thể chất chia sẻ, các bậc phụ huynh nên đăng ký cho con em mình học bơi vào các ca từ 17h – 20h vì tiện giờ đưa đón, hơn nữa đây là khoảng thời gian khá mát mẻ. Đồng thời, cần tìm cho các em học lớp bơi ở gần nhà vì sau khi bơi xong, trẻ dễ bị mất nước, đuối sức nếu ngay sau đó phải di chuyển một quãng đường xa.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong các loại hình tai nạn thương tích mà trẻ em dưới 18 tuổi gặp thì chủ yếu là tai nạn đuối nước. Năm nào cũng có trên 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do tai nạn thương tích. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 trẻ tử vong do đuối nước. Các tai nạn đuối nước xảy ra thường xuyên vào các kỳ nghỉ hè trong năm và các mùa mưa lũ. Đặc biệt chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, cả nước đã ghi nhận 200 trường hợp em nhỏ bị chết đuối. Trong đó, nhiều vụ có tới 3 – 5 em cùng chết đuối một lúc. Gần đây nhất là vào trung tuần tháng 5 tại Đồng Nai có 5 em học sinh tiểu học bị tử vong khi đi mót hạt điều, 3 em ở Gia Lai và 5 em ở Thừa Thiên Huế cũng tử vong do đuối nước. Phần lớn nguyên nhân do các em thiếu hiểu biết về kỹ năng chống đuối nước. |
Thúy Ngà