Lộ diện chiến hạm Mỹ lần đầu xuất hiện trên Biển Đông trong năm 2020
Tàu tấn công ven bờ USS Montgomery của hải quân Mỹ đã di chuyển gần khu vực bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông vào sáng ngày 27/1, theo Viện Sáng kiến Điều tra Tình hình Chiến lược Biển Đông của Trung Quốc (SCSPI). Đây là hoạt động đầu tiên của hải quân Mỹ trên Biển Đôngtrong năm 2020.
Tàu tấn công ven bờ USS Montgomery của hải quân Mỹ. (Ảnh minh họa) |
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay theo SCSPI, hôm 27/1, tàu USS Montgomery đã di chuyển cách bãi Chữ Thập 8,5 hải lý. Bãi Chữ Thập nằm trong quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) nhưng hiện bị Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Trong báo cáo công bố hôm 29/1, SCSPI trực thuộc Đại học Bắc Kinh nhấn mạnh tàu USS Montgomery cũng đã lại gần bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thậm chí, SCSPI cáo buộc tàu chiến Mỹ đã tắt hệ thống nhận diện tự động trước khi tiến lại gần bãi Gạc Ma.
Trong khi đó, tàu USS Montgomery lâu nay đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của Mỹ ở Biển Đông kể từ khi con tàu này được triển khai tới căn cứ hải quân Changi ở Singapore vào tháng 7/2019.
Cũng theo báo cáo của SCSPI, tàu USS Montgomery đã mất một ngày di chuyển từ căn cứ Changi tới quần đảo Trường Sa. SCSPI cho rằng, việc tàu chiến hải quân Mỹ tắt hệ thống nhận dạng tự động là hành động bất thường nếu như không vì muốn che giấu hoạt động quân sự.
Thậm chí, hôm 28/1, quân đội Trung Quốc còn cáo buộc tàu chiến Mỹ hành động “khiêu khích có tính toán”. Bộ Tư lệnh Chiến khu Phương Nam của quân đội Trung Quốc cho biết đã điều động tàu tuần tra và máy bay để xác minh hoạt động của chiến hạm Mỹ.
Trong khi đó, tờ Japan Times dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7 là Trung úy Joe Keiley cho hay, hải quân Mỹ “thực hiện các quyền hàng hải và tự do đi lại qua quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế nằm trong chương trình tuần tra đảm bảo tự do hàng hải”.
Hồi tháng 12/2019, SCSPI cho biết Mỹ đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận chung với các nước đồng minh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm 2019 nhằm thách thức sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Cũng theo SCSPI, các cuộc tập trận được tổ chức từ tháng 1 -11/2019 với nhiều quy mô khác nhau nhưng nhằm mục tiêu là tăng cường sự hiện diện của Mỹ ở khu vực cũng như mở rộng khả năng phòng thủ của các đồng minh Washington. Trong đó, Philippinestham gia 16 cuộc tập trận, Thái Lan là 9 và Singapore là 6.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.