Liệu Nga – phương Tây có thể giảng hòa?
Quốc kỳ Liên Bang Nga |
Với tựa đề “Liệu chúng ta có thể làm hòa với phương Tây”, báo Độc lập (Nga) số ra ngày 20/7 có bài bình luận và nhận định rằng những mâu thuẫn hiện nay trong xã hội đang trở nên trầm trọng hơn là do các yếu tố tâm lý.
Một số chính khách cả ở phương Tây lẫn ở Nga đều cho rằng Nga chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây và bình thường hóa quan hệ với châu Âu và Mỹ. Đó là chấp nhận đường lối của Ukraine, trả lại bán đảo Crimea cho Ukraine cũng như giải giáp các lực lượng quân ly khai ở hai nhà nước Cộng hòa không được công nhận là Donesk và Lugansk.
Nhiều người Nga đều có mong muốn cháy bỏng là ngừng các cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, nhất là trong khi "cuộc chiến ở miền đông Ukraine đang đe dọa leo thang thành một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu".
Đó cũng là quan điểm của ông Joerg Himmelreich, chính khách nổi tiếng người Đức, cựu chuyên viên của Bộ Ngoại giao Nga Đức, đăng trên tờ báo Thụy Sĩ Neue Zuerichsee Zeitung.
Song, cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine chắc gì có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Và vấn đề cũng không chỉ dừng lại ở quan điểm của các nhà lãnh đạo không được thừa nhận của hai nước Cộng hòa tự xưng ở miền đông nam Ukraine, mà phụ thuộc vào mong muốn giảm nhẹ sức ép quốc tế đang đè nặng lên điện Kremlin.
Vấn đề trước hết phụ thuộc việc giới chức có ảnh hưởng ở các nước phương Tây liệu có mong muốn chấm dứt những mâu thuẫn, xung đột này hay không?
Tờ báo "Neue Zuercher Zeitung" của Thụy Sĩ cho rằng quan điểm cứng rắn của phương Tây có nguồn gốc lịch sử sâu xa.
Hay nói một cách khác, cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa văn hóa chính trị của nhà nước Nga cũng như lịch sử hình thành nên nền chính trị phương Tây.
Cũng theo tờ báo này, hành động của Tổng thống Nga Vladimir Putin là do văn hóa chính trị của nhà nước Nga tạo nên, chính những hành động ông bị ảnh hưởng đáng kể bởi quan điểm nhà nước thống trị. Vậy bản chất của quan điểm này là gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Theo ý kiến của tác giả bài báo, đó là không thỏa hiệp, hoặc Nga sẽ dùng sức mạnh để giải quyết xung đột. Do đó, hy vọng về một sự thỏa hiệp, hoặc sự điều chỉnh hợp lý giữa các lợi ích sẽ thật khó, người ta chỉ có thể hy vọng về một sự phân chia quyền lực tạm thời giữa các lực lượng.
Căn cứ vào các hiện tượng lịch sử trong quá khứ, cho phép các nhà khoa học chính trị Đức có thể giải thích các hành vi trong tương lai của ông Putin. Hành vi này có thể dẫn đến cuộc chiến vì lợi ích của Nga, mặc dù hiện tại Điện Kremlin chưa thực sự phải đương đầu với chiến tranh, cho dù Nga đang trở nên khó khăn bởi các đợt trừng phạt từ phương Tây.
Cũng theo tờ báo Neue Zuercher Zeitung, Hiệp định đình chiến Minsk-2 đối với ông Putin thực chất chỉ là "một sự tạm dừng chiến thuật" trên con đường bành trướng lãnh thổ của Nga.
Các nhà nghiên cứu Đức cho rằng giai đoạn tiếp theo trong chính sách bành trướng lãnh thổ của Nga chính là vùng đất “Transnistria và tiếp sau đó là vùng Baltic”.
Vì vậy, tuyên bố của điện Kremlin về "sự hồi sinh của Nga" được phần lớn các chính khách phương Tây hiểu là Nga sẽ mở rộng lãnh thổ sang phía Tây. Và hành động trong tương lai của ông Putin là "minh bạch".
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu, các chính khách ở phương Tây cũng đều tán thành quan điểm trên. Theo nhà khoa học chính trị nổi tiếng người Mỹ, Zbigniew Brzezinski, Tổng thống Nga Putin là một “đối thủ” không dễ đoán định trước.
Song, theo các chính khách phương Tây, cần giảm áp lực lên điện Kremli thì mới mong mâu thuẫn có thể được hóa giải. Tác giả bài báo cho rằng việc khuyến cáo Nga trong các hành động đối kháng với phương Tây trong lúc này là vô nghĩa. Và các nhà chức trách Nga cũng chưa sẵn sàng cho những hành động như vậy.
Trong khi hãng tin Reuters (Anh) cho rằng muốn giải quyết được vấn đề và có thể “khuất phục” được Nga, phương Tây cần phải làm suy yếu nền kinh tế nước này. Theo Reuters, điều đó không phải là quá khó. Thậm chí nền kinh tế Nga sẽ ngày càng lao đao chỉ trong một vài năm tới, trong điều kiện dự thảo ngân sách 2016-2018 được dự báo là eo hẹp.
Một trong những nhà lãnh đạo của phe đối lập, Vladimir Ryzhkov cho rằng thời của chân lý sẽ đến trong hai năm tới. Tất nhiên, nếu điện Kremlin không thể tìm được một giải pháp thỏa đáng cho thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay giữa các lĩnh vực truyền thống mà cần chi tiêu ngân sách lớn như - chi phí quốc phòng và an ninh quốc gia, cũng như chi tiêu cho các vấn đề chính sách xã hội, trong đó bao gồm lương hưu.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Độc lập, một trong những tờ báo có lượng truy cập lớn nhất tại Nga.