Liệu Nga có cứu được Venezuela?
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Venezuela Maduro |
Mới đây, đại diện của Venezuela đã đến Nga để thỏa thuận về việc tái cơ cấu nợ công. Thỏa thuận này thành công sẽ giúp cho Caracas tránh rơi vào vực thẳm tài chính. Trước đó trên tờ RIA Novosti, Bộ trưởng Kinh tế Nga Anton Siluanov cho biết sẵn sàng xem lại các điều khoản thanh toán.
Những người ủng hộ "Cách mạng Bolivar" còn nhận được sự trợ giúp của Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của những người ủng hộ cánh tả Chavista. Theo khẳng định của Bắc Kinh, các cuộc đàm phán về việc trì hoãn các điều khoản thanh toán nợ với người kế tục cựu Tổng thống Hugo Chavez là Tổng thống Maduro, sẽ "tiến hành theo cách thức thông thường".
Đổi dầu lấy tái cơ cấu
Nhà nghiên cứu hàng đầu của Viện Mỹ Latinh - Emile Dabaghyan nhận định: sự gần gũi trong chính trị của Venezuela với Nga trong những năm 2000 dẫn tới kết quả là một số hợp đồng có lợi cho cả hai bên.
Ông nói: "Moscow đã được quyền tiếp cận với ngành sản xuất dầu, nhưng không chỉ có thế, họ còn được xây dựng nhà máy sản xuất súng trường tự động Kalashnikov". Thời điểm đó, Venezuela được mua các sản phẩm công nghiệp của Nga nhờ phần tài trợ từ các khoản vay của Nga.
Trong năm 2011, Caracas vay mượn từ Moscow 4 tỷ USD, và tổng số nợ kể từ đó đến giờ là 8 tỷ USD.
Trong quá trình xử lý của các công ty trong nước, một lượng lớn hydrocacbon được xuất sang Nga. Nhờ sự giúp đỡ của Nga, ngày nay các nguồn tài nguyên thiên nhiên được khai thác từ các mỏ khoáng sản mà các chuyên gia địa phương không thể trích xuất được.
Sự liên kết kinh tế với Venezuela đi kèm với chính trị. "Tại điện Kremlin, Tổng thống Hugo Chavez đã được tôn trọng như một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng khắp châu Mỹ. Suốt một thời gian dài, ý tưởng "cách mạng Bolivar" đã rất thành công trên lục địa này. Đối với điện Kremlin, "tình bạn" với ông Chavez rất có ý nghĩa trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ có nhiều căng thẳng. Sau khi Washington hậu thuẫn Mikhail Saakashvili ở Gruzia, chính quyền Nga đã tìm thấy một đồng minh không quá xa biên giới Mỹ", Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chính trị, Alexey Makarkin nói trên tờ RIA Novosti
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro |
Từ vàng đen thành vàng mạ
Cuộc khủng hoảng mô hình kinh tế Bolivar nổi lên ngay sau khi giá dầu sụt giảm vào năm 2014. Trả lời câu hỏi, để Caracas nhẹ bớt gánh nặng thì cần phải trả bao nhiêu tiền cho thùng vàng đen, ông Makarkin trả lời: "Hơn 100 USD".
Trong ba năm qua, khi dầu được bán với mức giá thấp hơn nhiều so với mức này, GDP của Venezuela đã giảm 36%. Cơ cấu của nền kinh tế mà 95% lượng xuất khẩu của nó phụ thuộc vào việc bán hydrocarbon, chính là khởi phát cho một cuộc suy thoái kéo dài. Tuy nhiên, Caracas vẫn tiếp tục tin rằng một ngày nào đó giá dầu sẽ tăng lên.
Khi đến thăm Nga vào tháng 10 vừa rồi, Tổng thống Nicholas Maduro, nói rằng nước ông vẫn còn khả năng thanh toán và sẵn sàng trả nợ, nhưng đề nghị có thêm thời gian. Theo các điều kiện do Moscow đưa ra, có thể là kéo dài thời hạn thanh toán trong 10 năm.
Để thỏa thuận thuận lợi, Venezuela sẽ phải nhượng bộ. Đặc biệt, nhiều khả năng một phần lớn nợ của Nga phải được trả vào cuối năm nay, nếu không thỏa thuận tái cơ cấu sẽ không có hiệu lực.
Tổ chức tín dụng quốc tế Standard & Poor, không cần chờ quyết định của chính quyền Nga và Trung Quốc, đã công bố giảm mức chỉ số đánh giá tự chủ của Venezuela về mức D.
Trong cuộc trò chuyện với RIA Novosti, ông Alexei Makarkin đã cảnh báo về sự đơn giản hóa trong cách tiếp cận quan hệ với Venezuela.
"Thật là sai lầm và thiển cận nếu xem đất nước này như một căn cứ của Nga - nếu chỉ vì trong những năm qua Caracas đã thực hiện chương trình riêng của mình dựa trên các giá trị mà Moscow không nhất thiết phải chia sẻ. Venezuela coi mình là người mang giá trị "cách mạng Bolivar" trong đó hàm ý, ít nhất là về mặt lý thuyết, đây là một dự án hội nhập lớn trong khu vực. Chúng ta đang nói về một quốc gia có tham vọng, nhưng nằm trong một tình thế khó khăn", chuyên gia đánh giá.
Theo ông Makarkin, từ quan điểm chính trị của Nga việc giữ lại những người kế thừa ông Hugo Chavez trong chính quyền là một sự thuận lợi. "Phe đối lập, vốn đang đòi thay đổi chế độ, có thái độ thù địch với giao dịch mua bán dầu với Nga. Sự thay đổi quyền lực ở Venezuela có khả năng sẽ đặt các thỏa thuận này vào nghi hoặc" - chuyên gia lưu ý.