'Liệt sĩ' trở về sau hơn 40 năm trong cảnh đói, rách
Sau hơn 40 năm kể từ ngày có giấy báo tử, người lính bỗng dưng trở về. Ông là Nguyễn Chánh Nhường trú tại xóm 21, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Hơn 40 năm “nằm lại” nơi chiến trường
Chiến tranh mang lại những sự mất mát và chia ly. Nó cũng chôn vùi biết bao mồ hôi, xương máu của người dân. Có người may mắn sống sót trở về, đoàn viên với gia đình, nhưng cũng có không ít người mãi mãi nằm lại nơi chiến trường, máu xương hòa vào lòng đất mẹ. Thế nhưng, câu chuyện trở về của “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường sau hơn 40 năm “bặt vô âm tín” khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, xót thương.
Chúng tôi tìm về xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu để tìm hiểu thực hư câu chuyện. Hàng xóm thân thích với ông Nhường và chính quyền địa phương xác nhận, sự trở về sau hơn 40 năm của “liệt sĩ” Nhường là có thật. Ông Nguyễn Đình Hải, Trưởng Công an xã Quỳnh Lâm cho biết: “Chúng tôi cũng không thể tin ông Nhường sau bao nhiêu năm được công nhận là liệt sĩ lại trở về. Khi gia đình ông Nhường báo cáo nhân thân, đề nghị nhập khẩu, chúng tôi rất ngỡ ngàng. Thế nhưng, qua công tác xác minh, rà soát sổ sách, ông Nhường có bố mẹ là Nguyễn Chánh Lạc và Nguyễn Thị Tuệ (hiện nay đã mất) trước đây có tham gia kháng chiến chống Mỹ và có giấy báo tử về địa phương là có thật. Chúng tôi báo cáo sự việc lên cấp trên và đã tiến hành làm các thủ tục đăng ký hộ khẩu cho ông Nguyễn Chánh Nhường tại địa phương cư trú”.
Ông Phạm Long, em rể của “liệt sĩ” Nhường cũng cho biết: “Ngày biết tin anh Nhường hy sinh, cả gia đình vô cùng đau đớn. Nhà có 7 anh em (3 trai, 4 gái), anh Nhường là con thứ 3, kế trên là anh trai Nguyễn Chánh Nghiệm cũng từng là thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và trở về. Nhưng ngày đất nước thống nhất, bố mẹ, anh chị em vẫn không có tin tức gì về anh Nhường. Mãi sau này, gia đình nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về mới biết, anh Nhường đã hy sinh. Gia đình vẫn không biết anh hy sinh ở địa điểm nào, chỉ biết rằng, hơn 40 năm qua, anh tôi mãi “nằm lại” nơi chiến trường”.
“Liệt sĩ” trở về sau hơn 40 năm
Lúc chúng tôi hỏi nhà của “liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường, người dân ở xóm 21 vẫn chưa hết bàn tán xôn xao. Họ vô cùng ngỡ ngàng vì hơn 40 năm qua, “liệt sĩ” Nhường vẫn còn sống. Tìm gặp ông Nhường thì hàng xóm cho biết, “liệt sĩ” này đang ở nhờ nhà anh trai là Nguyễn Chánh Nghiệm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông Nhường phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm cơm qua ngày. “Một buổi sáng đầu tháng 3/2014, anh em chúng tôi đang đóng gạch sỉ thì xuất hiện một người đàn ông ăn mặc xuềnh xoàng, dáng đi thất thểu, giống hệt người rừng. Khi nhìn kỹ mới biết đó là anh Nhường. Cả anh em, họ hàng khi đó vừa mừng, vừa xót thương vì sau bao năm báo tử, anh lại trở về”, ông Phạm Long cho biết.
Khi chúng tôi tìm đến gặp “liệt sĩ” Nhường thì ông không ở nhà mà đang đi làm cho một lò nung vôi sát thị trấn Cầu Giát. Trong bộ dạng thất thểu, phải động viên mãi, ông Nhường mới chậm rãi kể về hành trình trở về quê hương của mình. “Liệt sĩ” Nhường kể, khi đang cùng 6 đồng đội nằm trong hầm trú ẩn thì bị địch phát hiện và ném lựu đạn. Vì nằm ở cửa hầm nên ông bị thương nặng rồi bất tỉnh. Lúc tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong rừng, các vết thương rỉ máu khắp người. Lúc đó, ông không nhớ mình đang ở địa điểm nào và vì sao lại bị “bỏ rơi” trong rừng. Không tìm ra phương hướng nên những ngày ở rừng, ông Nhường phải ăn lá cây, hoa quả trong rừng để sống. Càng đi mãi trong rừng để tìm đường về, ông Nhường lại càng lạc sâu hơn. Cũng từ đó, ông trở thành “người rừng” trong suốt hơn 40 năm qua.
“Liệt sĩ” Nguyễn Chánh Nhường cầm trên tay giấy báo tử của mình |
“Tôi không nhớ suốt thời gian qua, tôi ở đâu cả, chỉ biết sống một mình trong rừng, ngày ngày ăn lá cây, hoa quả, tối thì leo lên cây cao để ngủ. Những thứ gì chim thú ăn được thì tôi cũng ăn. Có lúc muốn tìm đường để về nhưng đi suốt mấy tháng cũng chỉ quay lại vị trí cũ. Trời lạnh, tôi bóc vỏ cây quấn quanh người. Đêm nằm ngủ, tôi chiêm bao thấy có người nói, sáng mai cứ đi thẳng là tìm được đường về nhà. Tôi nghe theo và cứ đi mãi. Cũng chẳng nhớ là đi mấy tháng mới về tới nhà như bây giờ. Khi tôi đến được nhà dân, họ nhận ra giọng Nghệ An nên bắt xe cho về đây”, ông Nhường chậm rãi kể lại với chúng tôi.
Khi được xem các giấy tờ: Giấy báo tử, thẻ chứng nhận thân nhân liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường, chúng tôi được biết, ông sinh năm 1955 và nhập ngũ tháng 10/1972. Theo giấy báo tử số 28/VT của Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An gửi về, đề ngày 25/6/1992, thông báo đồng chí Nguyễn Chánh Nhường hy sinh vào ngày 6/4/1973, tại mặt trận phía Nam. Giấy báo tử cũng chỉ ghi là liệt sĩ Nguyễn Chánh Nhường thuộc đơn vị Đ.22, cấp bậc: Hạ sĩ, chức vụ: Chiến sĩ; hy sinh trong trường hợp chiến đấu mất tin, phần ghi thi hài bị bỏ trống.
Hiện tại, sức khỏe của “liệt sĩ” Nhường không hoàn toàn bình thường. Người thân trong gia đình cho biết, ngày đầu mới về, ông Nhường không ăn được những thức ăn như cá, thịt. Không vợ con, trở về khi bố mẹ đã “khuất núi”, bản thân ông Nhường cũng đang phải tự kiếm ăn qua ngày bằng cách ai thuê gì làm nấy. Lúc trái gió trở trời, ông Nhường lại phải đối mặt với những cơn đau vì vết thương trong cơ thể do di chứng chiến tranh để lại.
Vì sao ông Nhường lại có thể sống được hàng chục năm trong rừng như vậy? Và, ông Nhường ở đơn vị nào, đồng đội của ông Nhường cũng như các cơ quan chức năng nói gì về trường hợp “liệt sĩ” bỗng dưng sống sót trở về sau hơn 40 năm? Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại câu chuyện này.
Theo Ngọc Thái/ Công an Nghệ An online