Liên minh Châu Âu sẽ sụp đổ trong vòng 20 năm tới?
Cụ thể, cuộc khảo sát do Hội đồng Châu Âu về Đối ngoại (ECFR) thực hiện cho thấy, tại Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan, Úc, Slovakia, Romania, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Ba Lan, phần lớn những người được hỏi tin rằng việc EU tan rã là một “khả năng có thật” trong vòng 10 đến 20 năm tới. Cụ thể, 58% người được hỏi ở Pháp tin rằng EU rất có thể hoặc nhiều khả năng sẽ tan rã trong vòng 20 năm, đứng thứ hai chỉ sau Slovakia với 66%.
Rất đôngngười dân Châu Âu tin rằng EU sẽ tan rã trong 20 năm tới. |
Con số này đặc biệt rất xấu đối với Pháp, khi Đảng Cộng hòa Tiến bước của Tổng thống Emmanuel Macron đang bị đảng Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen, một người có tư tưởng phản đối EU, bỏ xa về tỉ lệ tín nhiệm.
Gần 7 thập kỷ sau khi các nước Pháp, Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg cùng nhau thành lập Cộng đồng Than và Thép Châu Âu, tiền thân của Liên minh Châu Âu sau này, ba trong số 10 người được hỏi nói rằng xung đột giữa các nước thành viên EU là điều có thể. Tại Pháp và Ba Lan, có đến một phần ba người tham gia khảo sát cho biết họ tin chiến tranh có thể xảy ra.
Người dân Châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về sự đi xuống về chất lượng sống. Khảo sát của ECFR cho thấy chỉ có 1/3 số người Đức và 1/4 số người Ý và Pháp có tiền dư giả vào cuối mỗi tháng để tiêu xài theo ý muốn của mình.
Kết quả cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu 2019 sẽ diễn ra vào tuần tới, khi mặc dù ảnh hưởng của tiến trình Brexit đang dần khiến các nước còn lại trong EU củng cố quan hệ lẫn nhau, song bất đồng giữa các nước Đông và Tây Âu đang dần xuất hiện.
Mới đây, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã có phát biểu chỉ trích người nhập cư và thực thi một chiến dịch bài người Do Thái. Chính phủ các nước Romania, Ba Lan và Hungary đang nằm trong tầm ngắm của Ủy ban Châu Âu khi họ không tuân theo những nguyên tắc của liên minh.
Trên khắp Châu Âu, 3/4 số người được hỏi tin rằng nền chính trị Châu Âu hoặc đang bị vỡ ở cấp độ chính phủ quốc gia, hoặc ở cấp độ EU. Tại Pháp chỉ có 15% người được hỏi trả lời rằng hệ thống chính trị châu Âu đang vận hành tốt.
Khảo sát cũng cho thấy, gần 92% người được hỏi tin rằng họ sẽ gặp bất lợi lớn nếu EU sụp đổ. Những lý do hàng đầu mà họ đưa ra đó là quan ngại đối với khả năng thực hiện các hoạt động thương mại, đi lại và làm việc ở các nước Châu Âu.
Ngoài ra nhiều người cũng lo ngại sẽ mất đi sự đoàn kết nhằm củng cố an ninh chung và mất đi một đối trọng đối với Nga và Trung Quốc, trong lúc kinh tế biến động và mối quan hệ giữa Mỹ và EU đang không tốt.