Lịch sử luôn đứng về người biểu tình Pháp, TT Macron có run sợ?
Kết quả của các cuộc biểu tình này có thể sẽ khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lo lắng. Trong tất cả các cuộc biểu tình xảy ra trong vòng 50 năm trở lại đây, các sự kiện này đều có cùng một kết quả: chính phủ Pháp phải nhượng bộ và chấp nhận những yêu cầu của họ.
Biểu tình tháng 5/1968
Người biểu tình tập trung tại Quảng trường Republique ở thủ đô Paris (Pháp) vào năm 1968. |
Khi đó, khoảng 9 triệu sinh viên, nhân viên văn phòng và nhân viên nhà nước đã cùng nhau xuống đường. Trong bối cảnh bất ổn đang xảy ra trên khắp thế giới, họ biểu tình để phản đối chế độ tư bản, chủ nghĩa trọng tiêu dùng, tình trạng đói nghèo và nhiều vấn đề khác.
7 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình này và hàng trăm người khác đã bị thương. Cuối cùng, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle chấp thuận tăng mức lương cơ bản của người lao động thêm 35% và thu nhập của người dân nhìn chung tăng 10%. Quốc hội Pháp sau đó đã bị giải tán và một cuộc bầu cử toàn quốc được tổ chức.
Cuộc biểu tình tháng 11 – 12/1995
Đông đảo người dân Paris xuống đường biểu tình vào ngày 3/12/1995. |
Khoảng hai triệu nhân viên vận tải, từ tài xế phương tiện công cộng cho đến những người lái tàu cao tốc đã khiến đất nước điêu đứng sau khi Thủ tướng Pháp Alain Juppe công bố kế hoạch cải tổ cơ chế an sinh xã hội, áp đặt cắt giảm phúc lợi và nâng tuổi nghỉ hưu đối với nhân viên ngành giao thông vận tải.
Thái độ cứng rắn của ông càng khiến cuộc biểu tình trở nên nghiêm trọng, trong khi nhiều người dân Paris phải đi bộ đến làm việc, nhiều kế hoạch đi lại bị bỏ dở và khiến dư luận tức giận. Ông Juppe đã buộc phải hủy bỏ chính sách cải cách của mình vào ngày 15/12 cùng năm.
Cuộc biểu tình tháng 2 – 3/2006
Sinh viên tập trung ở Đại học Sorbonne, Paris (Pháp) để biểu tình vào năm 2006. |
Các trường trung học và đại học trên toàn nước Pháp đã phẫn nộ sau khi Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin đề xuất mức lương thấp hơn đối với những người vừa ra trường. Đại học Sorbonne là một trong số những nơi cuộc biểu tình bùng nổ.
Sau đó, nhiều công đoàn cũng tham gia vào hoạt động biểu tình và tại một số nơi, bạo động đã xảy ra. Đề xuất mức lương của Thủ tướng Pháp đã bị hủy bỏ chưa đầy một tháng sau khi được Quốc hội thông qua.
Cuộc biểu tình tháng 10/2010
Người dân biểu tình ở thành phố Lyon (Pháp) vào năm 2010. |
Hàng triệu người lao động và sinh viên đã xuống đường phản đối chính sách cải tổ lương hưu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, vốn có mục đích thống nhất chính sách nghỉ hưu dành cho các nhân viên nhà nước với những người lao động thông thường khác ở Pháp. Trong cuộc biểu tình, hàng ngàn người đã bị cảnh sát bắt giữ và nhiều người bị thương nặng.
Chính quyền của ông Sarkozy sau đó đã buộc phải xóa bỏ những nội dung gây tranh cãi nhất của nghị quyết, trong đó bao gồm thay đổi đối với vị thế đặc biệt của nhân viên chính phủ, song vẫn không giảm bớt độ tuổi nghỉ hưu.
Cuộc biểu tình tháng 11/2018
Cờ Pháp bay trong khói lửa ở thủ đô Paris trong cuộc biểu tình năm 2018. |
Đã có 300.000 người từ khắp nước Pháp đã mặc áo vàng, chặn nhiều ngả đường và trạm xăng, bôi xấu Khải Hoàn Môn, đốt cháy xe hơi trên đường và đập phá cửa kính cửa hàng trong ba tuần lễ vừa qua. Cuộc biểu tình ban đầu nhằm phản đối ý định nâng mức thuế đối với xăng và dầu diesel, sau đó là việc nâng các mức thuế khác cũng như tăng chi phí tiêu dùng của người dân.
Các đảng phái ở Pháp đã nhanh chóng lợi dụng tình hình để kích động biểu tình hơn nữa, và nhiều sinh viên, nông dân cũng bày tỏ ý định tham gia. Vào ngày 4/12, ông Macron đã chấp thuận không tăng thuế xăng dầu, song cuộc biểu tình vẫn không có dấu hiệu dừng lại.