Lệnh cấm vận phương Tây đã giúp Nga giàu lên ra sao?
Nằm sâu trong khu vực Caucasus, gần với ngọn núi cao nhất châu Âu, những người phụ nữ Triều Tiên đang điều khiển các “con ngựa sắt” đặc trưng của thời Xô Viết để làm việc đồng áng. Loại “máy cày lai” từ xe tăng T-34 của Nga chính là niềm tự hào của khu tổ hợp nông nghiệp Yuzhny thuộc sở hữu của tỷ phú Vladimir Evtushenkov. Ông Evtushenkov thường gọi những chiếc xe tăng từng đánh bại quân đội Hitler là “trận chiến cà chua T-34”.
Khu tổ hợp nông nghiệp của ông Evtushenkov phủ kín một màu xanh mướt, có diện tích bằng 2.300 sân bóng đá cộng lại, nằm giữa biển Đen và biển Caspian. Lấy nước từ các tảng băng tan từ đỉnh núi Elbrus, khu nông nghiệp này trồng hàng triệu loại thực vật khác nhau và chủ yếu cung cấp cho Moscow.
Khu tổ hợp nông nghiệp Yuzhny. |
Ông Evtushenkov, 67 tuổi, là người nhiều tuổi nhất trong số 40 tỷ phú Nga nằm trong bảng xếp hạng của Bloomberg, đã chọn thời điểm đầu tư cực kỳ hoàn hảo. Tập đoàn AFK Sistema của ông đầu tư vào mọi thứ từ các nghiên cứu tế bào cho tới các phòng khám, đã tiếp quản khu nông nghiệp Yuzhny hồi tháng 12 năm ngoái, cùng tháng với tuyên bố của Tổng thống Putin rằng nước Nga sẽ đạt được mục tiêu tự cung cấp lương thực đến năm 2020.
Không giống như kế hoạch 5 năm lần đầu tiên của Josef Stalin, ông Putin theo đuổi mục tiêu lợi nhuận, chất lượng hơn là số lượng. Và T-34 giờ đây trở thành biểu tượng của nền tư bản yêu nước. Như ông Evtushenkov từng nói trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Đây là một lĩnh vực hết sức hứa hẹn”.
Tận dụng các cuộc chiến
Đối mặt với giá dầu giảm, đồng ruble mất giá, các lệnh cấm vận tài chính từ phương Tây và cuộc suy thoái dài nhất trong 16 năm cầm quyền, ông Putin, 63 tuổi, đang cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc của Nga vào các thị trường mà ông không thể kiểm soát. Những lệnh cấm vận áp đặt vào ngành nhập khẩu lương thực cũng như việc gia tăng các khoản hỗ trợ lớn từ chính phủ khiến rất nhiều ngành nông nghiệp của Nga có lợi hơn là bị tổn thương. Ông Putin đã gọi nông nghiệp Nga thời kỳ này là một “con ngỗng vàng”. Giá cả thực phẩm cũng tăng lên cùng với lạm phát, gần gấp đôi với mục tiêu 4% của ngân hàng trung ương, khiến tiền đi từ túi những người tiêu dùng sang các nhà sản xuất có định hướng tốt.
Nông nghiệp Nga ngày càng phát triển bất chấp những thách thức từ bên ngoài. |
Take Ros Agro Plc, nhà sản xuất thịt và đường của tỷ phú Vadim Moshkovich, năm ngoái thu được khoảng 3 tỷ rubles (46 triệu USD) tiền hỗ trợ từ chính phủ và không phải trả một đồng thuế lợi nhuận nào. Việc này đã giúp thúc đẩy biên lợi nhuận ròng của công ty lên mức 33%, hơn 28 điểm so với “ông lớn” dầu mỏ Lukoil PJSC. Cổ phiếu của công ty có trụ sở tại Moscow này cũng tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Tổng thống Putin thậm chí còn có thể biến cuộc chiến ở Trung Đông thành một điều may mắn cho các nông dân Nga. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ Nga dọc biên giới Syria hồi tháng 11/2015, Moscow đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu một loạt sản phẩm từ nước cựu đồng minh này, trong đó có cả cà chua Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ một vài tuần sau, với việc “đối thủ” lớn nhất của khu nông nghiệp Yuzhny đã bị loại khỏi cuộc chơi, tỷ phú Evtushenkov đã thu mua lại tổ hợp nông nghiệp cùng các thửa ruộng trồng cà chua, dưa chuột hữu cơ cho năng suất và lợi nhuận cực lớn.
Sản phẩm sạch và lợi nhuận cao
Tổng thống Putin đã tự tin phát biểu trước Quốc hội sau khi lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm của Thổ Nhĩ Kỳ được ban hành: “Nga có thể trở thành nước cung cấp thực phẩm chất lượng cao, sạch về mặt sinh học và có lợi cho sức khỏe con người lớn nhất thế giới, bỏ xa các nhà xuất phương Tây”.
Năm ngoái, Nga cùng với hàng chục quốc gia khác đã tham gia vào lệnh cấm thương mại hóa các sản phẩm biến đổi gene cũng như cấm nhập khẩu sản phẩm GMO. Điều này đã giúp ông Putin trở thành người tiên phong, có tiếng nói quan trọng trong một phong trào mới của toàn cầu.
Sản phẩm hữu cơ là một lợi thế mới của nông nghiệp Nga. |
Nhưng phải nói rằng thành tựu lớn nhất của ông Putin trong chiến lược thực phẩm của mình cho đến nay vẫn là lúa mỳ. Nga đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, một bước đại nhảy vọt của Moscow, mở đường cho các ngành trồng trọt khác như ngô, lúa, đậu nành và kiều mạnh cùng đi lên.
Sự phát triển mạnh mẽ này cùng với các sáng kiến hỗ trợ tài chính của ông Putin đã tạo ra một “cơn sốt” khai thác các vùng đất ở vành đai miền trung nước Nga cùng nhiều khu vực màu mỡ khác. “Hai dòng đầu tư nóng nhất cho những người giàu có ở Nga hiện nay chính là đất nông nghiệp và các khách sạn ở châu Âu. Xu hướng này hoàn toàn mới mẻ”, Yevgenia Tyurikova, người đứng đầu ngân hàng nhà nước Sberbank của Nga, nhận định.
Lịch sử cay đắng
Biến một quốc gia rộng lớn nhất thế giới trở thành “người khổng lồ” thực phẩm là một mục tiêu vốn có lịch sử lâu đời ở Nga mà nước này đã phải đối mặt với hàng loạt thách thức khác nhau. Các lãnh đạo Xô Viết từ Lenin cho tới Khrushchev đều tìm mọi cách để thay đổi ngành công nghiệp này, tuy nhiên thường đem lại những kết quả khá “bi kịch”. Nông nghiệp đã trở thành ngành tư nhân hóa một cách ngẫu nhiên từ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết hơn 1/4 thế kỷ trước với những trang trại tập trung lớn trở thành các mảnh vườn nhỏ lẻ và những người chủ phải vật lộn để theo kịp công nghệ canh tác hiện đại.
Nhiều trang trại thiếu thốn thiết bị, các con bò sữa cho năng suất kém hiệu quả hơn những nước khác. Giao thông và các cơ sở hạ tầng khác thì nghèo nàn, các trang thiết bị công nghệ cao cũng không có và nước Nga cũng không có những dòng sản phẩm chủ lực như thịt bò hay pho mát. Rất nhiều nông dân ở trong tình trạng nợ nần bởi những kế hoạch nông nghiệp mơ hồ từ thời Xô Viết.
Bản đồ sự tăng trưởng xuất khẩu của nông nghiệp Nga từ năm 1999 đến 2015. |
Thế rồi từ năm 2015, thặng dư lúa mỳ, cộng với đồng ruble sụt giá, đã giúp nâng mức xuất khẩu lương thực của Nga lên con số kỷ lục là 20 tỷ USD, hơn cả số tiền mà Moscow kiếm được từ các hợp đồng bán vũ khí. Cộng lại, đầu ra của ngành nông nghiệp đã tăng 3% trong năm ngoái, giúp giảm tổng số nợ của nền kinh tế xuống còn 3,7%. Và khi xuất khẩu tăng trưởng thì nhập khẩu sẽ giảm bớt. Nga đã cắt giảm được các hợp đồng nhập khẩu lương thực trên thị trường quốc tế khoảng 40% kể từ năm 2013 xuống còn 26,5 tỷ USD vào năm ngoái.
Alexander Lebedev, cựu quan chức KGB và giờ là doanh nhân, đồng sở hữu khu vực trồng cà chua lớn nhất của Nga, khẳng định: “Nếu ai đó hỏi tôi lĩnh vực kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất và hợp lý nhất, đáng để đầu tư nhất vào thời điểm này, thì tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng, đó chính là nông nghiệp”.
Lợi thế Trung Đông
Ông Putin không chỉ dựa vào những tỷ phú Nga để mở rộng ngành nông nghiệp trong nước. Nga còn tranh thủ “quyến rũ” các công ty khác ở châu Á và Trung Đông, những lựa chọn thích hợp khi các nền kinh tế lớn khác đều tham gia lệnh trừng phạt Nga. Qũy đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) đang tạo ra một quỹ trị giá 2 tỷ USD cùng với Trung Quốc để đầu tư vào các dự án nông nghiệp và tháng trước Moscow cũng đã bắt tay với tập đoàn CP của Bangkok để xây dựng một tổ hợp nhà máy sản xuất bơ sữa tích hợp lớn nhất ở Nga. Moscow cũng làm việc với các ngân hàng Ai Cập để tạo ra một trung tâm xuất khẩu mới cho lúa mỳ Nga ở kênh đào Suez.
Ông Putin đã biến một ngành kinh tế từng tụt hậu trở thành thế mạnh của nước Nga. |
Nếu thành công, những nỗ lực này sẽ giúp ông Putin đạt được mục tiêu quốc gia, là chuyển các mối quan hệ kinh tế khỏi khu vực phương Tây và hướng tới những thị trường mới nổi. Đó là dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng trong kế hoạch của ông Putin, là giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nước ngoài cũng như biến một ngành công nghiệp tụt hậu của Nga trở thành “trụ cột”, mang lại lợi nhuận cao cho nền kinh tế.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin từ Bloomberg News. Bloomberg News cùng tờ BusinessWeek là hai chuyên trang về kinh tế, phân tích tài chính và cung cấp dữ liệu cho các đối tác doanh nghiệp của Tập đoàn truyền thông Bloomberg.