Lễ phục nam: Áo dài khăn đóng hay veston?

Trong khi lễ phục nữ là áo dài được sự đồng thuận cao thì lễ phục nam vẫn đang gây tranh cãi: Áo dài khăn đóng hay veston? Một bộ lễ phục nam vừa đảm bảo tính truyền thống vừa phải sang trọng, tiện dụng đang khiến Bộ VH-TT-DL đau đầu!

Tiếp sau 2 hội thảo tại Hà Nội và TP.HCM, sáng 18/4, tại Đà Nẵng, Bộ VH-TT-DL tiếp tục tổ chức hội thảo thứ 3 dành cho 14 tỉnh, thành miền Trung và cũng là hội thảo cuối cùng lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia văn hoá, thiết kế thời trang... cho việc hình thành bộ tiêu chí "lễ phục Nhà nước" của Việt Nam.

Lễ phục chứ không phải quốc phục

Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên "giới hạn" ngay nội dung chính của cuộc hội thảo là tập trung vào "lễ phục" chứ không phải "quốc phục". Ông nói: "Quốc phục hay lễ phục thì đều là trang phục quốc gia, nhưng chúng tôi quan niệm không nên dùng từ quá nghiêm trọng. Dùng từ "quốc phục" có vẻ trọng thể quá, còn dùng từ "lễ phục" nghe khiêm nhường hơn, nhấn mạnh lễ phục tức là trang phục dùng trong lễ nghi chứ không phải trang phục trong lễ hội như một số người nhầm lẫn".

Lễ phục nam: Áo dài khăn đóng hay veston? - ảnh 1
Hội thảo "Lễ phục nhà nước" tổ chức sáng 18/4 tại Đà Nẵng - Ảnh: HC

Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), hiện trên thế giới có 74/196 quốc gia và vùng lãnh thổ có lễ phục riêng, góp phần thể hiện bản sắc văn hoá truyền thống của quốc gia đó để không bị hoà trộn vào dòng chảy của "thế giới phẳng" hiện nay. Trong các ngày lễ lớn và các nghi thức ngoại giao, lễ phục đã và đang khẳng định dấu ấn đặc trưng của dân tộc.

Tuy nhiên vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, tới nay Việt Nam vẫn chưa có lễ phục để sử dụng trong các hoạt động mang tính nghi lễ đặc biệt, các hoạt động đối ngoại. Từ năm 1991, Bộ VH-TT (lúc đó) đã đệ trình Chính phủ các bộ lễ phục nhưng chưa được đồng thuận. Năm 1998, khi Việt Nam đăng cai hội nghị cấp cao ASEAN 6 tại Hà Nội, Bộ VH-TT và Bộ Ngoại giao đã hợp tác đưa ra bộ trang phục đại diện cho đất nước nhưng cũng không thành công.

"Năm 2005 tại hội nghị ASEM 5, vấn đề này được đặt lại nhưng không thành. Năm 2006, nhân đăng cai hội nghị APEC 14, Việt Nam tạm đưa ra những bộ trang phục cho nam và nữ song có rất nhiều ý kiến trái chiều và thực tế đã xuất hiện khá nhiều bất cập... Bước vào thời kỳ hội nhập, việc thiết kế lễ phục nhằm khẳng định bản sắc dân tộc và vị thế độc lập của một nền văn hiến quốc gia là hết sức cần thiết. Do vậy Bộ VH-TT-DL quyết tâm có được bộ trang phục đẹp nhất, phù hợp nhất đại diện cho quốc gia" - bà Đoàn Thị Thu Hương nói.

Áo dài khăn đóng hay áo dài "kiểu" vest?

Đa số đại biểu đồng tình với Ths. Phạm Thị Thuý Hằng (giảng viên khoa Mỹ thuật Ứng dụng, Đại học Nghệ thuật Huế) là: "Ở đâu có phụ nữ Việt, ở đó có áo dài Việt. Không đơn thuần là trang phục truyền thống, áo dài còn là nét văn hoá nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần Việt. Đó chính là "quốc hồn" của phụ nữ Việt Nam. Áo dài nữ không bị giới hạn chỉ mặc tại một số nơi nhất định mà có thể mặc dạo phố hay bất kỳ dịp lễ quan trọng nào khác". Và theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam Nguyễn Văn Hàm thì chỉ cần được "các hoạ sĩ thiết kế, điều chỉnh để tạo ra bộ lễ phục nữ". 

Lễ phục nam: Áo dài khăn đóng hay veston? - ảnh 2
Theo bà Đoàn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VH-TT-DL),những bộ trang phục nam và nữ mà Việt Nam đưa ra nhân đăng cai hội nghị APEC 14 năm 2006 có rất nhiều ý kiến trái chiều và thực tế đã xuất hiện khá nhiều bất cập... - Ảnh: HC

Tuy nhiên, khi bàn đến lễ phục nam thì vấn đề thực sự trở nên rắc rối. Theo ông Nguyễn Văn Hàm: "Việc nghiên cứu để hoàn thiện mẫu mã bộ lễ phục là cần thiết, song nó phải dựa trên cái nền của lễ phục Việt Nam. Mọi toan tính thoát ly y phục truyền thống để chế tác lễ phục mới là dễ xảy đến tình trạng đánh mất bản sắc. Đối với bộ lễ phục cho nam giới, chúng ta nên hướng về bộ khăn đóng ái dài để nghiên cứu và thiết kế. Chiếc áo dài dành cho nam giới có thể làm ngắn lên, trên nền tảng chất liệu cứng cáp hơn".

Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL TT Huế cũng cho rằng nên chọn "áo dài, khăn đóng" làm lễ phục nam nhưng đề nghị "đừng cải tiến chắp vá mà chỉ cần nâng cao, làm cho bộ trang phục truyền thống này ngày một đẹp, sang trọng và đồng bộ hơn". Tuy nhiên theo giảng viên Nguyễn Xuân Hoài (ĐH Nghệ thuật Huế) thì "áo dài khăn đóng" khó tồn tại trong đời sống đương đại nên cần thay đổi, cải tiến tỉ lệ, màu sắc, chất liệu sao cho lễ phục đạt được tiêu chí đẹp, sang trọng, tiện dụng để người mặc tự tin trong giao tiếp, nhất là trong các hoạt động ngoại giao, nghi lễ trang trọng.

Tượng tự, hoạ sĩ Vinh Phối (nguyên Hiệu trưởng ĐH Nghệ thuật Huế) cho rằng "trang phục ngoại giao ngày nay cần hợp thời đại, không nhất thiết giống quốc phục khăn đóng áo dài của thời phong kiến". Còn với hoạ sĩ Ngô Kim Khôi (làm việc cho hãng thời trang Yenilmez Création ở Paris, Pháp): "Nếu lụng thụng trong tấm áo dài vướng víu sẽ khiến chính khách không được thoải mái, quá "tha thướt" sẽ không thể hiện được sự trang nghiêm, lại không còn phù hợp với cuộc sống thời kỳ CNH - HĐH". Do vậy ông đề nghị nên cách tân lễ phục nam theo kiểu kết hợp áo dài truyền thống và kỹ thuật áo vest.

Nên chọn veston cho lễ phục nam?

Trong khi đó, Ths Bùi Văn Tiếng (Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng) lại cho rằng: "Hình ảnh chiếc-áo-dài-đàn-ông trong lễ hội Đền Hùng hoặc trong phiên bế mạc Hội nghị  Thượng đỉnh lần thứ XIV Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2006 tại Hà Nội chỉ dừng ở mức trình diễn thời trang. Ngay cả hình ảnh những chiếc áo thụng xanh thụng đỏ trong các lễ trao bằng tốt nghiệp ở trường đại học cũng mang tính trình diễn đẳng cấp khoa bảng là chính".

Từ đó, ông Bùi Văn Tiếng "thiên về chọn chiếc-áo-dài-đàn-bà làm lễ phục ngoại giao cấp nhà nước dành cho các nữ sứ giả, còn đối với các nam sứ giả thì nên tiếp tục lựa chọn bộ veston" với hình ảnh các nhà ngoại giao lỗi lạc như Bộ trưởng Phạm Văn Đồng ở Hội nghị Genève năm 1954, Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh ở Hội nghị Paris năm 1973 mặc veston mà vẫn thể hiện rõ bản lĩnh cốt cách của một dân tộc vừa biết đánh vừa biết đàm. 

Lễ phục nam: Áo dài khăn đóng hay veston? - ảnh 3
Theo ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng thì bộ lễ phục nhà nước nên là áo dài cho nữ và veston cho nam - Ảnh: HC

Theo ông, không nên lấy hình ảnh các bộ trưởng xuất thân Nho học trong Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 để nói rằng lễ phục hệ áo dài vẫn có thể đàng hoàng tồn tại bên cạnh lễ phục hệ veston. Thật ra hình ảnh ấy mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn - thể hiện tính liên hiệp giữa hai thế hệ cựu học và tân học, sau Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Văn Tố thì nội các Việt Nam dân chủ cộng hòa không còn ai sử dụng áo dài khăn đóng làm lễ phục công sở cũng như lễ phục ngoại giao cấp nhà nước.

"Tôi nghĩ rằng trong quan hệ ngoại giao, nhất là ngoại giao nhà nước, bản sắc dân tộc rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là quốc thể. Quốc thể phải được xem là nguyên tắc tối thượng trong hoạt động ngoại giao, trong khi đó bản sắc dân tộc không hề nhất thành bất biến, giống như trường hợp chữ Nho và chữ Quốc ngữ.

Áo dài khăn đóng lẫn veston đều là sản phẩm của quá trình tiếp biến văn hóa, qua thời gian năm tháng đều đã gắn bó với thân thể/dáng người Việt Nam, đều thấm đẫm bản sắc dân tộc Việt Nam. Vấn đề chỉ còn nằm ở chỗ chúng ta lựa chọn như thế nào để bộ lễ phục ngoại giao cấp nhà nước có được một nền tảng thẩm mỹ - xã hội tương thích" - ông Bùi Văn Tiếng nói.           

"Lần này làm là phải gút lại!"

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên, qua 3 cuộc hội thảo, đa số các ý kiến đều đồng tình với các tiêu chí khái quát về lễ phục nhà nước là đẹp, đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện khí hậu và vóc dáng của người Việt Nam; kiểu dáng hiện đại, có kết hợp yếu tố của trang phục truyền thống Việt Nam (nhưng tránh lặp lại trang phục cổ); sử dụng chất liệu trong nước; màu sắc đặc trưng, tiêu biểu cho văn hoá Việt Nam.

Tuy nhiên "việc chọn lễ phục khó hơn chọn quốc hoa rất nhiều", nên đã qua 10 năm mà vẫn chưa thực hiện được. Bởi quốc hoa là hình ảnh của một bông hoa, có thể người này thích, người kia không, nhưng nếu được đại đa số đồng thuận thì nó thành một biểu tượng văn hoá. Trong khi đó, lễ phục là bộ trang phục mặc vào người, việc người này thích, người kia không thích, người khen, người chê... sẽ dẫn tới rất nhiều tranh luận.

"Nhưng lần này làm là phải gút lại. Khi đã hội đủ ý kiến từ cả 3 miền thì Ban tổ chức sẽ mời Ban tư vấn gồm các nhà văn hoá uy tín, nổi tiếng cùng "gạch đầu dòng" các tiêu chí tương đối rõ, rồi phát động toàn quốc để các nhà thiết kế, hoạ sĩ sáng tác và thiết kế mẫu.

Sau đó sẽ có Hội đồng giám khảo lựa chọn, đặt hàng thiết kế và tổ chức trình diễn, giới thiệu với xã hội, lấy ý kiến của nhân dân. Nếu được người dân đồng thuận, Chính phủ thấy có thể trở thành lễ phục thì Chính phủ sẽ quyết định. Chúng tôi đã có lộ trình về thời gian. Cố gắng đến cuối năm nay sẽ làm được việc này" - ông Vương Duy Biên nói.

HẢI CHÂU

Vượt các nam sinh, cô gái xinh xắn trở thành thủ khoa ngành công nghệ kỹ thuật

Không chỉ vượt qua các nam sinh để trở thành thủ khoa tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật khuôn mẫu, Dư Thị Kiều Trinh còn được vinh danh là sinh viên tiêu biểu của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm 2024.

Không đi học thêm, con tôi 'lĩnh đủ'

Từ chối học thêm hè, con tôi gặp khó khăn khi vào năm học mới. Cô hay hỏi những câu khó, thậm chí ngày nào cũng gọi con lên bảng làm bài tập, không làm được là cô bắt chép phạt khiến con lo sợ, ám ảnh.

'Học sinh phải đi học thêm có thu được kết quả tương xứng?'

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, rất khó để kiểm soát, đảm bảo những học sinh tham gia học thêm sẽ thu hoạch được chất lượng như mong muốn.

Làm gì để giáo viên dạy thêm đàng hoàng?

Giáo viên có thể dạy thêm ngoài nhà trường nhưng cần quy định về cơ sở vật chất, số tiết, nội dung giảng dạy, sức khỏe người dạy và học...

Bí quyết lạ giúp thủ khoa Kinh tế Quốc dân hoàn thành việc học trong 3 năm

Hoàn thành chương trình học tại Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong 3 năm, Nguyễn Khánh Linh đạt kết quả khiến nhiều người xuýt xoa khi trở thành thủ khoa với điểm GPA tuyệt đối.

Phụ huynh ăn bánh mì, quyết trực xuyên đêm chờ câu trả lời của trường Tây Mỗ 3

Theo ghi nhận của VietNamNet, tối 21/8, hàng trăm phụ huynh vẫn túc trực tại Trường Tiểu học Tây Mỗ 3 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để chờ câu trả lời rõ ràng từ phía nhà trường cũng như phòng GD-ĐT quận Nam Từ Liêm.

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai và bài học kinh nghiệm từ Singapore, Malaysia

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung cho rằng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm thành công của Singapore, Malaysia khi đưa tiếng Anh vào nhà trường, xã hội.

Có con đang học cấp 2, tôi xây xẩm mặt mày khi xem điểm chuẩn đại học

Cô con gái lớn năm nay vào lớp 8, vợ chồng tôi đã phòng xa cửa vào cấp 3 khó khăn bằng cách chuẩn bị tâm lý sớm cho con. Mấy ngày nay các đồng nghiệp bàn tán rôm rả điểm thi cao mà vẫn trượt đại học, tôi thật sự lo lắng.

Thủ khoa Kinh tế quốc dân và lần 'vỡ mộng' thực tập ở công ty kiểm toán lớn nhất thế giới

Trở thành thủ khoa đầu ra, Nguyên Khôi phải trải qua chặng đường không hề dễ dàng. Giai đoạn căng thẳng nhất với Khôi là cuối năm 4, khi giành được suất thực tập tại Deloitte - một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.

Á hậu Miss Grand Vietnam Hạnh Nguyên: Mẹ là giáo viên tiểu học, cha dạy ĐH Đồng Tháp

Lê Phan Hạnh Nguyên chia sẻ những tâm sự và câu chuyện đặc biệt về hành trình giành ngôi vị Á hậu 1 Miss Grand Vietnam 2024.

Đang cập nhật dữ liệu !