Lễ Phật đản 2019 ngày nào? Lễ Phật đản chùa Tam Chúc diễn ra vào thời gian nào?
Lễ Phật đản là ngày lễ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời, là 1 trong 3 ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật. |
Phật đản là ngày lễ trọng đại của 2 hệ phái Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa) và Bắc Tông (Đại thừa) được tổ chức vào tháng Tư hằng năm.
Phật Đản là lễ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đây là 1 trong 3 ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật gồm: Phật Đản, Vu lan, Thành đạo.
Từ năm 1959 trở về trước, các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày 8/4 âm lịch. Nhưng vào năm 1950, tại Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên diễn ra tại Colombo (Tích Lan) gồm 26 nước thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch hàng năm (tức ngày 15/4 al).
Đến năm 1999, ngày lễ Phật đản 15/4 (âm lịch) đã được Liên Hiệp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Lễ Phật Đản là một trong ba lễ cấu thành Lễ Tam hợp mà Liên Hiệp Quốc gọi là Vesak (lễ Phật Đản sinh, lễ Phật thành đạo và lễ Phật nhập Niết bàn).
Ý nghĩa của lễ Phật đản là gì?
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 8/4 âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.
Chính vì thế, lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm, vào ngày rằm tháng Tư, ở các nước theo đạo Phật là để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời.
Hàng năm, cứ vào ngày lễ Phật đản, các phật tử thường vinh danh Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng (qua các hình thức như dâng cúng, tặng hoa, đến nghe thuyết giảng), và thực hành ăn chay và giữ Ngũ giới, Tứ vô lượng tâm (từ bi hỷ xả), thực hành bố thí và làm việc từ thiện, tặng quà, tiền cho những người yếu kém trong cộng đồng.
Vào ngày 28/10/1999, đại diện của 34 nước trên thế giới đã đệ trình lên Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự thảo nghị quyết công nhận Đại Lễ Vesak kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn.
Đến ngày 12/11/1999, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị Quyết A/54/235 công nhận ngày trăng tròn tháng 5 là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật.
Và từ năm 1999 đến nay, mỗi năm, tại trụ sở chính của LHQ ở New York và nhiều nơi trên thế giới, LHQ đều tổ chức lễ kỷ niệm Đại lễ Vesak. Đặc biệt, các nước có truyền thống Phật giáo lâu đời tại châu Á, mỗi năm đều theo tinh thần của nghị quyết LHQ mà long trọng tổ chức Đại lễ Vesak, trong đó có Việt Nam vào năm 2008, 2014 và 2019.
Đại lễ Vesak diễn ra với nhiều nội dung, bên cạnh nội dung sinh hoạt tôn giáo, còn có hội thảo về các chủ đề Phật giáo đối với đời sống xã hội, triển lãm, biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian của nước đăng cai; du lịch thăm quan thắng cảnh, thắng tích Phật giáo.
Ở Việt Nam, lễ Phật Đản luôn được tổ chức trang trọng. Ngoài việc tổ chức buổi lễ chính vào ngày rằm tháng Tư, Giáo hội các tỉnh thành còn tổ chức diễu hành, làm lễ, thả hoa đăng trên sông, tổ chức thuyết giảng về Phật pháp xen kẽ các buổi văn nghệ, đèn lồng, làm lễ đài tổ chức...
Vào ngày Phật Đản, các Phật tử không sát sinh, mọi người đều ăn chay, lau dọn vệ sinh nhà cửa và trang trí bàn thờ Phật thật đẹp. Các Phật tử có thể đến chùa để phụ giúp làm công quả, nghe các bài thuyết giảng về cuộc sống, tự chiêm nghiệm về hành động của bản thân để làm cho tâm hồn được thanh tịnh.
Sảnh điện Tam Thế - chùa Tam Chúc |
Lễ Phất đản ở Việt Nam năm nay được tổ chức ở chùa Tam Chúc tại Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam). Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019 chùa Tam Chúc sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 14/5 (tức từ ngày 8-10/4 âm lịch). Đây là lần thứ 3 đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak 2019 được tổ chức tại Việt Nam do giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì.
Năm 2008, lần đầu Việt Nam đăng cai Vesak và ra tuyên ngôn Hà Nội, kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực đảm bảo hòa bình thế giới, cải thiện chất lượng sống cho tất cả mọi người. Các đại biểu nhất trí giải quyết 16 vấn đề lớn, trong đó nhấn mạnh phòng chống xung đột và chiến tranh; giải trừ vũ khí hạt nhân, sinh học; ngăn ngừa ô nhiễm đại dương và các vùng biển.
Năm 2014, lần thứ hai Việt Nam đăng cai Vesak với 95 quốc gia tham dự, ra tuyên ngôn kêu gọi cộng đồng hướng đến mục tiêu phát triển thiên niên kỷ dựa trên ba trụ cột: bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, công bằng xã hội. Nguyên tắc phát triển bền vững được đưa ra là bình đẳng, công bằng, bảo vệ nhân quyền, thúc đẩy giáo dục.
Đặc biệt, tuyên ngôn còn cam kết thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tài phán của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thông qua các cuộc đàm phán và biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Vậy Vesak 2019 là gì?
Chủ đề của Vesak 2019 là: Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững.