Lễ lạt, cứ quá chén là chồng lại hứa giúp họ hàng
Tôi biết chồng mình thích thể hiện, nhiều khi lời hứa chỉ là để khoe mà thôi. Nhưng sau những cuộc vui ấy, tôi nhận về không ít lời trách móc.
Mỗi lần nghỉ lễ về quê chồng là tôi vô cùng mệt mỏi. Không phải vì những chuyến xe đường dài, cũng không phải vì quà cáp biếu xén hay vì mối quan hệ của tôi với nhà chồng không tốt mà chỉ vì tôi có ông chồng “thích hứa”.
Còn nhớ cách đây 3 năm, cũng dịp lễ 30/4, chồng tôi hứa sẽ cho đứa cháu một “công ăn việc làm ổn định”. Khi đó tôi mải lúi húi ở dưới bếp phụ mẹ chồng nhặt rau, đâu có để ý mấy lời trên bàn nhậu của cánh đàn ông. Mãi tới khi lên thành phố, chị họ anh gửi quá trời quà quê, nào chuối, nào dừa, lại thêm cả con gà mái mơ, tôi mới ngạc nhiên, vì xưa giờ chị nổi tiếng tiết kiệm. Nghe chị cảm ơn rối rít một lúc thì tôi mới hiểu ra vấn đề. Chuyến xe đi lên TPHCM, chồng tôi lặng thinh suốt 4 tiếng đồng hồ.
Lần ấy, anh không chỉ hứa xin việc cho cháu mà còn hứa sẽ dành hẳn một phòng riêng trong nhà để “tạo điều kiện cho cháu”. Nếu vợ chồng tôi có điều kiện thật thì không nói, đằng này nhà tôi nhỏ xíu, hai đứa con thì đứa cấp I, đứa mẫu giáo, bận bịu không gì tả nổi.
Cứ quá chén là chồng lại hứa đủ chuyện với họ hàng. (Ảnh minh họa) |
Khoảng 2 tháng sau, cháu của anh lên nhà tôi. Thằng bé 19 tuổi, mới học hết cấp III thì bỏ học. Cũng vì lêu lổng quá nên chị họ anh muốn gửi gắm lên thành phố kiếm việc. Chồng tôi khi ấy cuống quýt nài nỏ bạn bè, mãi mới cho cháu mình được một chân vào làm kho cho công ty.
Công việc không đến nỗi nặng nhọc, chỉ là kiểm kê, phụ trách đếm số lượng nhập xuất, có nhiều hàng hóa thì phụ các anh chị khác sắp xếp gọn gàng. Vậy nhưng chỉ mới làm 2 ngày, cháu anh than thở với mẹ rằng bị “bóc lột”, “tưởng cậu giới thiệu cho công việc bàn giấy thế nào, hóa ra là ở trong kho nóng nực, khổ hơn làm bảo vệ”.
Vợ chồng chúng tôi ngay lập tức nhận những cuộc gọi “hỏi thăm” từ chị. Phân tích mãi, chị hiểu sơ sơ vấn đề. Tưởng đã êm thì chúng tôi lại mệt mỏi tiếp với lối sinh hoạt bừa bộn của đứa cháu ngỗ nghịch. Dù đã 19 tuổi nhưng cháu không phụ giúp bất kỳ việc nhà nào, thời gian rảnh ở nhà lấy máy tính chơi game, buổi tối ăn xong là phóng lên phòng, đồ đạc quăng lung tung, thậm chí không nhớ mặc rồi hay chưa để bỏ vào máy giặt.
Chưa kể cháu có nhiều thói quen không tốt nên các con tôi cũng học theo, chúng cũng quăng đồ lung tung, học hành lười biếng. Tôi nhắc nhở thì con cãi: “Sao không nhắc anh mà chỉ nhắc con”. Nhà tôi loạn lên chỉ vì sự có mặt của cháu, và sâu xa thì là vì câu hứa lúc vui miệng của chồng.
Sau 1 tháng, cháu anh đòi đổi việc mới, anh nói không còn việc nào khác thì thằng bé quay sang trách móc. Chị họ anh cũng trách vợ chồng tôi đối xử với cháu không ra gì. Ở thêm một thời gian nữa rồi thằng bé đòi về quê. Sóng gió tạm yên từ đó.
Vậy mà cũng vài lần lễ sau đó, chồng tôi vẫn không bỏ được tật hứa hẹn mỗi khi quá chén. Lúc thì hứa mua cho cô Bảy cái máy đo huyết áp, nhịp tim. Khi thì hẹn với chú Ba lên TPHCM sẽ dẫn chú Ba đi karaoke "mệt nghỉ". Rồi anh còn hứa với ông A sẽ tặng ông bình rượu quý, hứa sẽ mua laptop cho con cô B…
Rất nhiều lần anh hứa hẹn khiến tôi khổ sở. (Ảnh minh họa) |
Rất nhiều những lời anh hứa được đưa ra lúc xỉn. Tôi biết tính anh thích thể hiện, chỉ hứa để khoe là chính, nhưng với những người chân chất dưới quê, họ tin và cho rằng đó là sự nhiệt tình đáng quý. Cũng không phải chồng tôi không thực hiện lời hứa, nhưng anh không giàu có đến mức có thể lo liệu mọi thứ. Khi giúp người khác không được trọn vẹn, chúng tôi tất nhiên sẽ nhận về những lời than vãn, trách cứ.
Tôi đã nhắc chồng rất nhiều lần. Sau mỗi lần lỡ hứa, anh lại xin lỗi vợ, nhưng rồi lại đâu vào đó. Thành ra lần nào "hậu lễ", vợ chồng tôi cũng lục đục cãi nhau.
Lần này trên xe đò về về quê nghỉ lễ, tôi đang hồi hộp không biết rồi chồng mình sẽ lại hứa những gì...
Theo phunuonline.com.vn