Lễ diễu binh chào mừng 70 năm Quốc khánh Triều Tiên có gì đặc biệt?
Ngày 9/9/2018 đánh dấu 70 năm Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên được thành lập, ba năm sau khi Moscow và Washington phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai nửa trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Đây là một trong những ngày trọng đại của Triều Tiên và là cơ hội để Bình Nhưỡng phô diễn những loại vũ khí mới nhất.
Binh lính Triều Tiên trong một cuộc diễu binh. |
Cuộc diễu binh năm nay vẫn sẽ do lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì và rất đáng chú ý đối với bất kỳ tổ chức nghiên cứu về tình hình Triều Tiên nào để xác định những bước tiến mà nước này đã đạt được về quân sự.
Thông thường trong một cuộc diễu binh, các quân chủng Triều Tiên sẽ diễu hành qua Quảng trường Kim Nhật Thành, tiếp đó sẽ là xe tăng và máy bay quân sự và cuối cùng là các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng tên lửa sẽ không xuất hiện. Họ tin rằng nếu cuộc diễu binh quá hùng hậu sẽ tác động xấu đến tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên, sau khi ông Kim gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 6 vừa qua và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bình Nhưỡng trong tháng này.
“Nếu Bình Nhưỡng cho tên lửa đạn đạo xuất hiện trong sự kiện này, đó sẽ là một động thái gây hấn đáng kể và sẽ là cái tát mạnh đối với Mỹ”, ông Andrei Lankov, một nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Korea Risk Group cho biết.
Ông Lankov cho rằng Triều Tiên sẽ không làm vậy, bởi ngoài những nguyên nhân kể trên nó cũng sẽ khiến đại diện của Trung Quốc lâm vào tình thế khó xử. Từ lâu Bắc Kinh là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên về kinh tế và chính trị, và sau nhiều năm quan hệ hai nước đóng băng, căng thẳng đã được phá bỏ nhanh chóng trong năm nay khi ông Kim đến thăm Trung Quốc ba lần để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chứng kiến một cuộc diễu binh quy mô lớn cùng các quan chức cấp cao. |
Ban đầu đã có những đồn đoán cho rằng ông Tập sẽ có mặt trong lễ diễu bình, tuy nhiên cuối cùng người sẽ đại diện Trung Quốc đến dự sự kiện này là ông Lật Chiến Thư, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc và là thành viên của ủy ban thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc ông Tập quyết định không có mặt có thể là nhằm thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc với Triều Tiên và đồng thời không gây thêm sự thù địch với ông Trump. Cũng có khả năng Bắc Kinh muốn thấy ông Kim nỗ lực hơn nữa để giảm bớt căng thẳng trong khu vực.
Phái đoàn Lào đến tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên. Nguồn: KCNA |
Triều Tiên đã gửi lời mời các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đến dự cuộc diễu binh này, tuy nhiên người đứng đầu đất nước duy nhất sẽ có mặt là Tổng thống Mauritania Mohamed Ould Abdel Aziz. Phần lớn các quốc gia khác như Lào, Togo v.v… đều chỉ cử đoàn đại biểu đến Triều Tiên.
Đại diện các tổ chức quốc tế đặt hoa tưởng niệm tại tượng của các cố lãnh đạo Triều Tiên. Nguồn: KCNA |
Theo KCNA, phái đoàn từ nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đến Triều Tiên từ ngày 8/9 để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Quốc Khánh. Các phái đoàn đến từ Azerbaijan, Singapore, Tổ chức Hòa bình Thế giới, Nam Phi, Namibian, Gyuana, Nepal, Brunei, Ethiopia, Mozambique, Thụy Điển, UNESCO, WEF, Myanmar, Bangladesh, Thụy Sỹ, Zambia, Philippines, Thái Lan, Serbia, Ủy ban kinh tế xã hội LHQ Châu Á Thái Bình Dương.
Màn đồng diễn "Mass Games" năm 2013 ở Triều Tiên. Nguồn: CNN |
Được biết, "Lễ hội Biển người" (Mass Games), màn trình diễn khổng lồ của 10 vạn người Triều Tiên sẽ là điểm nhấn trong Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước này. Sự kiện dự kiến diễn ra tại May Day, một trong những sân vận động lớn nhất thế giới.
Màn đồng diễn năm nay có tên “Đất nước vinh quang” dự kiến sẽ có sự tham dự của hàng nghìn người Triều Tiên. Những người ngồi trên khán đài sẽ lật các bức ảnh một cách chính xác để tạo thành hình ảnh khổng lồ trong khi hàng nghìn người đồng diễn thể dục hoặc khiêu vũ dưới sân. Khối công nhân và học sinh sẽ đứng kín quảng trường xung quanh, tay cầm hoa và vẫy cờ xếp theo tên các nhà lãnh đạo hoặc khẩu hiệu yêu nước có thể được nhìn thấy rõ từ ban công nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đứng.