Lầu Năm Góc từ chối tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. |
Hãng Ria Novosti trích dẫn tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho hay, mặc dù có điều chỉnh số lượng binh sĩ và vũ khí do các chính sách của Nga, nhưng Lầu Năm Góc không có ý định tăng cường hiện diện quân sự tại châu Âu để chuẩn bị cho cuộc Chiến tranh Lạnh mới..
“Hiện tại chúng tôi đang thực hiện một số điều chỉnh (lực lượng) ở châu Âu do Nga đã không lựa chọn chính sách mà chúng tôi mong muốn”, ông chủ Lầu Năm Góc cho biết.
Đồng thời, theo người đứng đầu Lầu Năm Góc, khả năng một cuộc Chiến tranh Lạnh mới ở châu Âu sẽ không xảy ra. “Đây không phải là kịch bản để đáp trả lại những hành động mà phía Nga đang tiến hành”.
Ông Carter một lần nữa cáo buộc Nga tham gia vào “cuộc chiến tranh lai” và sử dụng “những người lính xanh” tại Ukraine và khu vực bán đảo Crimea. Theo ông, Mỹ cần phải phản đối “chính sách cơ hội mới” của Nga.
Ngày 28/10, Tạp chí Wall Street của Mỹ đưa tin, NATO đã sẵn sàng tăng quy mô lực lượng sát biên giới Nga. Liên minh này đang xem xét kế hoạch đặt tại Ba Lan và mỗi quốc gia Baltic (3 nước vùng Baltic) một tiểu đoàn gồm 800 – 1.000 binh sĩ hoặc sẽ triển khai một tiểu đoàn chung cho toàn khu vực.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng các phương pháp tiếp cận biên giới nước này của NATO là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ngày 9/10, đại diện thường trực của Nga tại NATO, Alexander Grushko cho hay, Moscow sẽ làm tất cả các biện pháp cần thiết để gìn giữ sự cân bằng lực lượng quân sự ở châu Âu, nhưng cam kết không hướng tới một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Ngày 8/10, bình luận về kế hoạch triển khai quân đội tới các nước Baltic của London, Thư ký báo chí của tổng thống Nga, Dmitry Peskov chỉ trích: “Lý do giả tạo về mối đe dọa tưởng tượng đến từ Nga có lẽ chỉ là cái cớ ngụy trang cho các kế hoạch mở rộng quân sự của NATO ở biên giới đất nước chúng tôi”.
Ông Peskov nhấn mạnh, bất kỳ kế hoạch triển khai quân nào của NATO ở khu vực sát biên giới Nga sẽ dẫn tới các phản ứng đáp trả từ Moscow nhằm khôi phục sự bình đẳng.
Trước đó, trong ngày 8/10, Bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết, Anh dự định sẽ gửi một đội quân nhỏ tới các nước vùng Baltic: “Chúng tôi muốn bảo vệ chủ quyền của các quốc gia Dân chủ ở Đông Âu. Chúng tôi đưa máy bay của Không quân Anh vào Ukraine và huấn luyện các lực lượng vũ trang Ukraine.
Sắp tới, chúng tôi sẽ có các lực lượng quân đội thường trực tại các nước vùng Baltic, Ba Lan và tiến hành tập trận quân sự tích cực cho binh sĩ Ukraine.
Giữa tháng 9/2015, Hãng Reuters đưa tin, Tư lệnh lực lượng không quân Mỹ ở châu Âu - tướng Frank Gorens mô tả các hành động của Nga, như đầu tư nguồn lực đáng kể vào hiện đại hóa lực lượng hàng không vũ trụ và tạo ra một hệ thống phòng thủ trên không ấn tượng, đặc biệt ở khu vực Crimea và Kaliningrad là “đáng báo động”.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Ria-Novosti, một trong những hãng thông tấn lớn và uy tín nhất tại Nga cũng như trên thế giới.